Dòng Lũng Pô mùa thu xanh ngắt

ANTĐ - Câu hát đầu tiên trong nhạc phẩm “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sỹ Thuận Yến đã đi vào tâm thức của bao người và cũng nhiều người muốn biết nơi đó là nơi nào.  “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” chính là ngã ba sông, nơi dòng suối Lũng Pô xanh mướt nhập vào dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Đó là Lũng Pô.

Dòng Lũng Pô mùa thu xanh ngắt ảnh 1Cột mốc 92 ở địa điểm “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” 

Để đến Lũng Pô không khó khăn lắm khi gửi xe máy lên tàu, sau một đêm ngon giấc tới Lào Cai, thưởng thức đặc sản cuốn sủi rồi nhắm hướng thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát. Con đường biên giới thi thoảng có đoạn sát bờ sông Hồng. Những ngày đầu tháng 10 này, khi lúa đang chín khắp các thửa ruộng bậc thang thì những cơn mưa cuối tháng 9 cũng làm cho dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy ngầu lên một màu đỏ nặng phù sa. Cái se se lạnh của miền sơn cước khiến những tay lái quen với chạy xe trong phố phải dừng lại mặc thêm áo, quàng khăn.

Khi đến một ngã ba chỉ có một lối rẽ phải vào Lũng Pô, một lối trái đi A Mú Sung, con đường trở nên nhỏ lại, chạy sát với dòng sông Hồng. Những cơn mưa cũng khiến con đường khó đi hơn, nhất là đoạn cuối khi đã tới đồn biên phòng Lũng Pô. Chỉ còn 200m là tới nhưng chúng tôi quyết định gửi xe máy tại ngôi nhà ngay bên đường. 

Đoạn cuốc bộ thú vị với rừng chuối đang trổ buồng, mỗi buồng chuối lại được bọc một túi nilon chống sâu bệnh. Dòng sông hiện dần ra, ban đầu là cột mốc 92 rồi dòng Lũng Pô xanh ngắt. Đến sát cột mốc thì thấy cả sông Hồng đang cuồn cuộn chảy, một màu đỏ nặng của phù sa. Dòng suối Lũng Pô xanh ngắt hòa cùng dòng sông Hồng đỏ quạch. Hình ảnh trong thơ văn hiện ra ngay trước mắt, dòng trong dòng đục, ngã ba sông. “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” chính là đây. Bậc thang xi măng dẫn xuống dòng suối Lũng Pô mát rượi. Cho dù có hơi lạnh vẫn không cản được ham muốn khoát nước lên rửa mặt với một cảm giác rất khó tả.

Và câu chuyện khi trú mưa trong ngôi nhà gửi xe máy rôm rả vô cùng. Người dân thôn Lũng Pô chủ yếu là dân tộc Mông và Hà Nhì. Họ trồng chuối xuất khẩu cho thu nhập rất khá. Chuối trồng thuận lợi vì thời tiết và đất tốt nên phát triển, trổ buồng nhanh. Khi hoa chuối đã đậu quả là lúc phải dùng túi nilon bọc cả buồng chuối lại chống sâu bệnh và chim ăn. Không dùng thuốc trừ sâu nên chuối sạch trăm phần trăm.

Ấm trà “A móc” nơi vùng cao chưa qua tuần nước thì có chàng trai chở 2 bình gas vào. Hóa ra, ở nơi thâm sơn cùng cốc này, người dân dùng bếp gas phải chở từ thị trấn vào cách mấy chục cây số, mỗi lần gọi là chở cả 2 bình luôn.  Nhìn những con gà Mông đen sì từ chân tới mào, chúng tôi định nhờ chủ nhà thịt và làm giúp bữa cơm nhưng rồi lại nháy nhau “chém” 10 nghìn đồng gửi xe thì khéo chém cả triệu con gà mất. Tuần trà thứ hai cạn cũng là lúc tạnh mưa, trả tiền để lên đường thì người đàn ông từng lang bạt khắp trời Âu giờ tụ lại đất biên cương cười lớn “Đến với gia đình cứ thoải mái như ở nhà, tiền nong gì chứ”. Đôi khi, hóa ra dân du lịch bụi lại hay chắc lép nhỉ!

Khoe với chủ nhà chai nước suối Lũng Pô vừa múc dưới ngã ba sông, người đàn ông mới nói: “Nước suối Lũng Pô thường được mọi người lấy về rồi để dành đến Tết đem ra rửa chân để lấy may mắn và sức khỏe”. Hóa ra nơi ngã ba sông này, ngắm dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa cuồn cuộn chảy và lội xuống dòng suối Lũng Pô trong xanh, rửa chân còn để lấy may mắn và sức khỏe nữa.