Dọc ngang một dãy Hoàng Liên Sơn

ANTĐ - Dãy Hoàng Liên dài 180km, nơi có bề ngang lớn nhất là 75km và nơi hẹp nhất chừng 30km, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Dãy núi bắt nguồn từ xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ (Lai Châu) rồi bắt đầu trải mình giữa hai tỉnh Lai Châu – Lào Cai cho tới tận Tây Yên Bái. Dãy Hoàng Liên là phần cuối cùng của dải Ai Lao Sơn và cũng là đoạn tận cùng phía Tây Nam của dãy núi Himalaya. May mắn là chúng tôi đã có dịp được đi dọc dãy núi đầy huyền tích này.

Theo tỉnh lộ 132, con đường nối Pa Vây Sử với trung tâm huyện Phong Thổ chúng tôi chạy một chặng 50km xuyên qua khu bảo tồn quốc gia Hoàng Liên rồi bắt sang quốc lộ 4D, theo hướng thị xã Lai Châu đi Tam Đường tới khi gặp ngã ba Bình Lư là đã tới cửa ngõ dẫn lên con đèo Ô Qui Hồ đầy hiểm trở. 

Đèo Ô Qui Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở miền núi phía Bắc. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D, dài 40km con đèo uốn lượn quanh dãy núi Hoàng Liên và nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Ở độ cao 2.035m, đỉnh đèo Ô Qui Hồ là ranh giới tự nhiên của hai tỉnh, với hai kiểu khí hậu đặc trưng đông và tây Hoàng Liên (một bên nắng chói và một bên mây mù, lạnh giá). Vào những ngày trời quang mây, ta còn được ngắm những ngọn núi thuộc cụm “thất chỉ sơn” nhấp nhô như những ngón tay đang chỉ lên trời, và có thể còn nhìn rõ cả đỉnh Fanxipan kiêu hãnh phía xa.

Phía bên kia đỉnh đèo, theo lộ trình mà chúng tôi đi, đã là địa phận Lào Cai. Sau một đêm nghỉ ngơi và trải nghiệm cuộc sống về đêm ở phố núi Sapa, quay trở lại đỉnh đèo để thu vào tầm mắt đỉnh cao nhất của dãy Hoàng Liên một lần nữa chúng tôi chọn đường đi Y Tý. Xã vùng cao này được gọi là thiên đường mây và lúa, trên nhiều đoạn đường mây sà cả xuống ruộng tạo nên những bức tranh vô cùng huyền hoặc. Theo con đường tuần tra biên giới, qua Lũng Pô, qua chợ Cốc Lếu vang bóng một thời chúng tôi trên đường đi Bắc Hà, nơi có chợ phiên vùng cao nổi tiếng thu hút được rất nhiều du khách. Rồi từ đó đi theo quốc lộ 70 tới ngã tư Bảo Yên rẽ sang tỉnh lộ 279, con đường quen thuộc của biết bao thế hệ xê dịch.

Gần cuối tỉnh lộ 279 là đèo Khau Cọ, con đèo đánh dấu đoạn cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn. Xưa kia một thời “chấm Khau Cọ” 22N104E (nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn Hoàng Liên thuộc huyện Văn Bàn) từng là thách thức ghê gớm nhất dành cho dân đi tìm “chấm” (điểm mà tại đó đường kinh tuyến chẵn và vĩ tuyến chẵn giao nhau). Trên suốt 30km đèo quanh co uốn lượn giờ đây vẫn là mây núi trập trùng với một bên là dòng Nậm Chăn, và phía xa là cánh đồng Mường Thanh trù phú và khu tái định cư của người Thái. Qua hết con đèo ấy rẽ sang quốc lộ 32 là về tới Mù Cang Chải. Cảm giác tự hào bỗng dấy lên trong tim mỗi người chúng tôi, những kẻ vừa chạy gần 500km đường núi để đi cho trọn dọc ngang một dải Hoàng Liên Sơn.