Don McCullin trung thực đến khắt khe

ANTĐ - Nhiều thập kỷ trôi đi, ảnh của Don McCullin trải dài qua các cuộc chiến, từ bạo lực tại Síp, cuộc chiến Sáu ngày ở Trung Đông cho đến chiến trường Việt Nam, Campuchia, rồi lại đến các thảm họa ở Biafran, Bắc Ireland hay El Salvador. Trong tâm niệm của nhà báo 76 tuổi người Anh này thì chiến tranh chẳng bao giờ kết thúc.

Chân thực đến cay nghiệt

Don McCullin, sinh năm 1935, ở Finsbury Park (Anh), một khu vực tồi tệ nhất phía Bắc London. Gia đình nghèo khó, mồ côi cha từ năm 14 tuổi, McCullin phải làm nghề giặt ủi thuê. Cuộc đời khốn khó đã dạy ông sống và dạy ông cả những cách nhìn, vì thế mà sau này ảnh của ông được đưa vào giáo trình dạy nhiếp ảnh. Ảnh của ông luôn có trong danh mục “Những bức ảnh gây chấn động thế giới” của thế kỷ 20.

Năm 1958, ông được để mắt đến khi có một bức chụp băng đảng địa phương sau khi một cảnh sát bị ám sát, được đăng trên tờ The Observer. Sau đó ông được nhiều tờ báo mời về đầu quân và tờ báo ông làm việc lâu nhất là The Sunday Times (18 năm). Những bức ảnh chiến tranh đầu tiên của McCullin là tại chiến trường Síp năm 1967.

Được biết đến với hàng loạt bức ảnh tái hiện chân thực đến cay nghiệt của chiến tranh, những tác phẩm của McCullin trải dài qua các cuộc chiến, từ bạo lực tại Síp, cuộc chiến Sáu ngày ở Trung Đông đến chiến trường Việt Nam, Campuchia, rồi lại đến các thảm họa ở Biafran, Bắc Ireland hay El Salvador. Sau 30 năm, đi qua không biết bao nhiêu nơi, McCullin luôn cố ghi lại những khoảnh khắc không thể tưởng tượng nổi của chiến tranh. Băng qua những cánh đồng lúa vàng ở Việt Nam để thoát khỏi làn đạn, cho đến phi thân, nhảy lên để chớp được những bức ảnh trong những trận đấu súng khốc liệt.

Cùng với những bức ảnh vô giá của mình, McCullin đã giành được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh, xuất bản hàng chục cuốn sách và triển lãm trên toàn thế giới, mà gần đây nhất là triển lãm “Shaped by War” được mở hôm 7-10 tại Bảo tàng Chiến tranh Đế quốc ở London (Anh).

McCullin trung thực đến khắt khe với những tác phẩm của mình. Ông tuyên bố: “Tôi cố gắng truyền đạt cảm tưởng của mình qua những bức ảnh một cách trung thực”. Rất nhiều những bức ảnh xuất hiện trong triển lãm “Shaped by War” mà ông đã chụp trong suốt 18 năm làm việc tại tờ Sunday Times của Anh.

Lao mình trong làn đạn

Sự dũng cảm trước những làn đạn của ông đã quá nổi tiếng. Harold Evans người sau này là biên tập của tờ Sunday Times đã viết về McCullin trên tờ Guardian nhiều năm sau đó: “Don McCullin thực sự quả cảm. Người đàn ông này như miễn nhiễm với đạn, dù cơn mưa đạn cứ rơi ào xuống ông vẫn đứng lại để chụp những tia sáng lướt qua”…

Năm 1968, một trong những khoảnh khắc “độc” nhất mà McCullin ghi lại được mà bây giờ trở thành bức nổi tiếng nhất của ông, đó là hình ảnh một binh sĩ Mỹ mặt căng thẳng trong một trận chiến lớn tại cố đô Huế của Việt Nam. Lúc đó, binh sĩ hải quân Mỹ này đang tìm cách rút lui đến nơi an toàn. Đó là trận chiến dữ dội nổ ra trong 2 tuần, McCullin hồi tưởng lại, thành phố bị bao vây bởi các thuyền hải quân Mỹ ngoài khơi cách Vịnh Bắc bộ 17 dặm. Máy bay thả bom napalm xuống chỉ cách nơi McCullin ở vài con phố.

“Khi bạn được chứng kiến cảnh những quả bom napalm rơi xuống. Kéo theo đó là những xác chết bị nấu chảy, bạn sẽ phải hét lên: chạy đi, chạy đi, chạy đi”, McCullin kể lại. Sau đó, ông đã về sống cùng Trung đoàn Hải quân số 5 trong suốt trận chiến năm đó. Vào thời điểm đó, trung đoàn này đã mất 70 binh lính và 300 lính bị thương. Khi ấy, McCullin đã có được bức ảnh mạnh mẽ nhất sự nghiệp của mình. McCullin đã phải giành giật để chộp lấy khoảnh khắc đó.

McCullin tự nhận mình “thật điên rồ” cho đến khi kết thúc trận chiến. “Bạn nghĩ rằng có thể gột sạch những thứ rác rưởi của chiến tranh ra khỏi tôi không? Thực sự không thể, bởi chúng đã in sâu vào trí não của tôi”, McCullin chia sẻ. Để đến bây giờ, khi những bức ảnh đó trở nên vô giá thì đối với McCullin, những gì ông muốn làm lúc này là quên chúng đi. “Đó là tội ác của chiến tranh… Tôi thậm chí không muốn in chúng ra nữa” - McCullin nói - “Tôi muốn vứt hết ra khỏi trí nhớ của mình”.

Đi tìm bình yên

Khi so sánh với những ám ảnh của chiến tranh, McCullin thốt lên: “Thật không thể hiểu nổi tại sao con người có thể tàn sát lẫn nhau trước mặt bạn để rồi khi bạn trở về nhà, những hình ảnh ấy cũng giống như bạn không đánh răng vài tháng, dù sau này bạn có đánh sạch đến đâu thì nó vẫn để lại mùi khó chịu trong miệng”.

McCullin luôn tin rằng chiến tranh chẳng bao giờ có thể kết thúc. “Gần 50 năm qua tôi đã đi qua bao làng mạc, bao cuộc chiến mà những cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Nó chỉ kết thúc ở chỗ này và vòng sang chỗ khác rồi đến một thời điểm nào đó nó lại quay về chỗ cũ. Năm 2011 chứng kiến nhiều cuộc chiến ở Libya, Arập rồi cho đến tình hình bất ổn ở Syria. Và cho đến bây giờ, McCullin không muốn chụp thêm bức ảnh nào về sự tàn khốc của chiến tranh bởi ông đã “chứng kiến quá nhiều cảnh đổ máu”. “Tôi đã lật sang trang cuối của cuộc đời và tôi muốn tận hưởng cuộc sống yên bình. Tôi không muốn hành hạ bản thân mình bằng những cảm giác tội lỗi nữa”, McCullin chia sẻ.