Đói nghèo, bệnh tật, gia đình tôi rơi vào bi kịch

ANTĐ - Gia đình tôi sống trong một phòng trọ khoảng 15 mét vuông, bốn con người hai già, hai trẻ chỉ có độc nhất một chiếc giường, một cái quạt và 1 nỗi lo toan...

Tôi đang trong những tháng cuối cùng mang thai, cái thai quá lớn khiến tôi nằm một chỗ đã bốn tháng trời nay. Như bao người mẹ khác khi mang đứa con trong mình luôn hi vọng về một tương lai tương sáng cho con, nhưng càng nghĩ trong hoàn cảnh bi đát của gia đình tôi bây giờ, tôi càng lo sợ. Hai vợ chồng tôi không có công ăn việc làm ổn định. Ba mẹ tôi đã không còn nhìn mặt con gái khi tôi quyết định về làm dâu một gia đình không có tương lai. Những ngày mang thai nằm một chỗ, ăn cơm với rau tập tàng chấm muối, nhìn ba mẹ chồng tôi đội mưa đi bán vé số, lòng tôi lại băn khoăn không biết tình yêu mà tôi đã chọn có chăng là sai lầm như ba mẹ tôi đã nói?

Tôi được sinh ra trong một gia đình khá giả ở miền Tây, tuổi thơ tôi lớn lên trong sự đầy đủ về vật chất. Ba mẹ tôi làm nghề buôn bán, tôi đi học hết phổ thông thì nghỉ ở nhà phụ công việc gia đình. Tôi chưa bao giờ phải lo toan về cuộc sống, hàng ngày tôi làm đúng bổn phận một đứa con ngoan, nấu cơm giặt giũ và phụ ba mẹ việc buôn bán. Nhà tôi có rất nhiều người làm, anh là một trong những người làm công cho gia đình tôi hồi đó. Ba mẹ tôi cũng rất quý anh vì sự chăm chỉ và trung thực, cũng rất thương anh vì hoàn cảnh gia đình anh quá khó khăn. Gia đình anh đã sống nay đây mai đó suốt hơn l0 năm vì căn bệnh tai biến của má anh.

Ba mẹ anh là những người lao động tay chân chẳng dư dả gì, năm 2002 má anh mắc bệnh tai biến, ba anh bán hết ruộng vườn, nhà cửa được đúng 30 triệu đồng chữa bệnh cho má. Anh phải nghỉ học giữa chừng theo ba má rong ruổi cùng cực khắp các tỉnh Miền Tây với hi vọng căn bệnh tai biến quái ác được chữa khỏi. Khi đến thành phố sống trong một khu nhà trọ xập xệ, anh đến xin làm ở gia đình tôi kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Tôi cũng không rõ từ khi nào tôi có cảm tình với người thanh niên ấy. Mặc dù tôi có tìm hiểu một vài người mà ba mẹ tôi đã chọn trước, nhưng tôi chỉ vì muốn làm hài lòng ba mẹ. Hàng ngày tôi dậy sớm vừa lúc anh đến làm, anh phụ tôi dọn hàng, giao hàng và mọi việc nặng nhọc khác. Anh là người rất chăm chỉ và được việc. Chỉ sau mấy tháng anh đã trở thành người làm không thể thiếu của ba má tôi. Hàng tháng ngoài tiền lương ba má tôi đều trả thêm cho anh một khoản nữa vì thương gia đình anh nghèo khó. Tình cảm của tôi đối với anh có lẽ đầu tiên là xuất phát từ tình thương và sự cảm phục. Cũng không biết rõ từ khi nào tôi đã không thể chịu được khi không nhìn thấy anh mỗi sáng. Chúng tôi quấn quýt nhau cả ngày, cùng làm việc, cùng ăn cơm ở cửa hàng, rồi yêu nhau.

Tình cảm của chúng tôi bị ba mẹ tôi cấm đoán quyết liệt với lý do gia đình anh quá khổ cực, vô gia cư, nghèo nàn và bệnh tật. Dường như tình yêu không làm tôi quan tâm đến điều gì ngoài mong muốn gắn bó với người mình yêu. Đứng trước ba mẹ tôi, anh luôn mang một tâm trạng rất nặng nề, chính anh cũng ái ngại về hoàn cảnh gia đình của mình, anh không muốn tôi phải chịu khổ. Mặc ba mẹ có cấm đoán, mặc hoàn cảnh có khó khăn hơn nữa, tôi vẫn quyết tâm yêu anh. Một thời gian ngắn sau đó, ba má tôi đuổi việc anh vì việc chúng tôi yêu nhau. Đã ba lần bảy lượt chúng tôi cố gắng thuyết phục và xin ba má đồng ý cho chúng tôi kết hôn nhưng không có kết quả.

Ảnh minh họa

Họ nhất quyết không đồng ý và đã không ít lần nói xúc phạm đến gia đình anh, khác hẳn với sự quý mến trước kia. Không khí gia đình tôi giai đoạn đó hết sức căng thẳng. Tối quyết định mang thai để mong sự chấp thuận của cha mẹ. Ngày tôi mang giấy khám thai cho ba má để xin phép cưới, ba tôi chẳng nói chẳng rằng, lấy túi xách cho một ít quần áo của tôi vào đó rồi đẩy tôi ra khỏi cửa. Gương mặt má tôi buồn rười rượi nhưng cũng không ngăn cản ba, họ nói từ tôi, coi như không có đứa con gái này.

Tôi theo anh về nhà ra mắt ba má chồng. Không có đám cưới, không của hồi môn, ba má chồng tôi vừa vui vừa buồn, gương mặt mếu máo cả cười lẫn khóc khi trông thấy tôi. Chồng tôi lo đi làm thuê khắp nơi nuôi vợ, đứa con sắp chào đời và cả ba má tuổi già bệnh tật. Từ khi mang thai tôi bị đuối sức đến độ không đi lại được, tất cả trông mong vào công việc làm thợ kiếng mà chồng tôi tìm được. Ngoài giờ anh ấy cũng làm đủ mọi việc kiếm thêm nhưng sức lao động anh ấy đổ ra quá rẻ mạt. Tôi thương anh, không dám ca thán điều gì.

Gia đình tôi sống trong một phòng trọ khoảng 15 mét vuông, bốn con người hai già, hai trẻ chỉ có độc nhất một chiếc giường, một cái quạt và 1 nỗi lo toan. Hàng ngày ba chồng tôi chăm sóc má không rời nửa bước, từ khi tôi về làm dâu chỉ nằm được một chỗ ba chồng chăm sóc luôn cả tôi. Ba chồng tôi đi chợ, nấu cơm chăm sóc má và tôi. Hàng ngày ba chồng tôi đẩy má trên chiếc xe lăn rong ruổi khắp thành phố với công viêc bán vé số kiếm thêm tiền, trời mưa cũng như trời nắng. Cả nhà chỉ duy nhất tôi vì đang mang thai nên được ăn hai bữa cơm rau, chồng tôi đi làm với cái bụng đói, ba má chồng tôi ngày một bữa chưa no.

Thực lòng khi quyết định đến với anh chưa bao giờ tôi tưởng tượng được cuộc sống khốn khó đến như vậy. Giờ tôi mới hiểu ra vì sao đã không ít lần anh nói chia tay với tôi mà không có lý do gì cả. Là một cô gái chưa bao giờ sống thiếu thốn, anh không nỡ để tôi chịu khổ, anh cũng không chắc tôi có thể chịu đựng được cuộc sống của gia đình anh hiện tại không. Quãng thời gian nằm một chỗ, tôi có thời gian quan sát và suy nghĩ rất nhiều. Tập quen với cuộc sống khốn khó tận cùng thật là khó khăn với một cô gái như tôi, đã có lần tôi muốn bỏ đi đưa con của mình, trở về nhà cầu xin ba mẹ tôi tha thứ, rời bỏ chồng tôi... Nhưng nghĩ đến sự thương yêu của gia đình chồng dành cho tôi, tôi không nỡ. Tôi hiểu rằng, nếu tôi bỏ đi, đó lại là một cú shock rất lớn cho ba má chồng.

Vì bệnh tật, sự nghèo khổ cùng cực, những người họ hàng càng chung dòng máu, anh em ruột đã ruồng rẫy ba má chồng tôi không một chút thương hại. Ở trong thành phố còn có hai người anh em ruột của ba chồng, nhưng chẳng khi nào họ nhìn mặt gia đình tôi. Cũng giống như tôi bây giờ... ba má tôi dù ở ngay trong thành phố, cũng đã không còn nhìn mặt hay hỏi thăm suốt gần một năm nay. Tôi đã nhiều lần trở về mong được họ tha thứ, chấp nhận và giúp đỡ tôi trong hoàn cảnh này nhưng tôi chẳng nhận được gì ngoài cái nhìn từ bỏ.

Rõ ràng là tôi đã có lỗi với cha mẹ tôi, có lỗi với sự trông mong của họ về tương lai của con cái, nhưng chẳng nhẽ ba mẹ không thể tha thứ cho tôi một lần này trong suốt hơn 20 năm làm một đứa con ngoan ngoãn. Những ngày cuối mang thai tôi tràn ngập một cảm giác cô đơn và trống rỗng, dường như cả thế giới đều lánh xa những người nghèo khổ và bần cùng như gia đình tôi bây giờ. Tôi không dám than khổ với gia đình chồng, tôi biết rằng trong họ cũng là một nỗi tủi thân lớn lắm. Mang tiếng có con dâu mà chưa một lần được thấy mặt sui gia, mà có gặp gia đình chồng tôi cũng chỉ biết cúi mặt ngượng ngùng. Điều làm tôi cảm thấy ấm áp nhất bây giờ là cảm nhận được tình cảm của chồng dành cho tôi, của ba má chồng tôi dành cho nhau.

Đã trải qua mười năm bệnh tật, ba chồng tôi không bao giờ có ý định từ bỏ má tôi một lần. Cái nhìn ngờ nghệch của má, những hành động vô thức vì bệnh tật, chẳng có gì có thể làm lung lay tình cảm ba dành cho má. Tôi thật sự thấy có lỗi vì sự vô dụng của mình.

Chỉ còn mấy ngày nữa là tới kì sinh nở mà tôi chưa biết lấy tiền đâu ra để mua tã, mua sữa cho con; cũng chưa biết mẹ con tôi có qua nổi những ngày cùng cực này không? Nhiều lúc tôi không có tự tin để làm một người mẹ nằm dài một chỗ, không tương lai. Tôi chưa có việc làm, cũng chưa dự định được sẽ làm công việc gì. Tôi không thể ở nhà trông hết vào hai triệu tiền lương quá đỗi ít ỏi của chồng tôi, rồi còn tiền thuê nhà và đủ thứ chi tiêu. Chỉ học hết phổ thông, không biết nghề ngỗng gì, chưa quen chịu khổ khiến tôi lâm vào cảnh bế tắc. Giá như ngày trước tôi không quyết tâm đến với anh có lẽ sẽ không phải chiu khổ cực, cũng không khiến chồng tôi phải vất vả nuôi tôi. Tôi lo sợ rằng gia đình tôi sẽ nghèo khổ sang cả đời con cái tôi, cái nghèo thường đeo đẳng con người không dứt ra được. Tôi phải làm sao để cuộc sống đỡ hơn một chút...

Chị Đặng Trà Giang - Bộ phận BMO - Prudential Việt Nam

Chị quả là một người phụ nữ đáng thương, đang hoang mang trong một cuộc sống mới khốn khổ. Nhưng nếu chị mong muốn mọi việc tốt đẹp cho đứa con sắp chào đời, chị nên tĩnh tâm lại và nghĩ về những điều tốt đẹp hơn. Chị vẫn còn là người hạnh phúc hơn nhiều người khi bên cạnh có chồng và ba má chồng thương yêu. Khi không còn gì người ta vẫn còn tương lai. Chị có tình yêu thương lại đang còn trẻ, tôi tin rằng sẽ vượt qua được khó khăn. Sau khi sinh con chị có thể đi làm thêm để phụ giúp gia đình, vẫn còn nhiều công việc chỉ cần trình độ phổ thông trung học. Chị đã lựa chọn chồng chị buộc chị phải chấp nhận cuộc sống của anh ấy. Theo tôi không có lý do gì để chị phải băn khoăn có nên rời xa chồng chị hay không? Để thoát khỏi tình cảnh gia đình khốn đốn này, chồng chị chắc chắn cần chị xác định chắc chắn tình cảm gắn bó của mình. Cuộc sống gia đình cần trách nhiệm của cả người vợ và người chồng. Vì nghèo khổ mà chị nghĩ đến việc rời bỏ anh ấy thì thật là một người phụ nữ nông cạn và bội tình. Cầu mong gia đình chị sớm vượt qua thử thách của cuộc đời.

Lời người biên tập

Thật đáng buồn cho sự đối xử giữa những người thân trong gia đình với nhau, đáng thương cho ba mẹ chồng chị có những người anh em bạc ác, khi ruồng rẫy người thân trong cơn hoạn nạn. Còn về bố mẹ chị, tôi nghĩ rằng họ chưa chấp nhận được mọi việc thôi. Là người làm cha mẹ, không ai muốn con cái mình đâm đầu vào cực khổ. Có lẽ chị nên thông cảm cho họ. Việc của anh chị bây giờ là chứng minh cho ba mẹ chị thấy có thể thay đổi cuộc sống khốn khó từ hai bàn tay trắng. Xã hội còn có rất nhiều Mạnh Thường Quân có thể giúp gia đình chị vượt qua khốn khổ. Trong lúc đường cùng, tôi cho rằng việc kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội là một việc làm dũng cảm và đúng đắn. Mỗi một cá nhân không nên sống tách biệt với xã hội. Chị hoàn toàn có khả năng thay đổi cuộc sống gia đình hiện tại. Cuộc sống có thể dồn ta đến ngõ cụt nhưng luôn luôn cho ta lựa chọn cách thoát khỏi ngõ cụt đó. Hãy để cho bản năng sinh tồn của con người trong chị được mạnh mẽ và lựa chọn cách lao động thật chăm chỉ để thoát nghèo. Chúc chị và gia đình gặp nhiều may mắn.