Doanh nghiệp dọa Nhà nước

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng khái phát biểu: “Doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước” trong một cuộc hội thảo về kinh doanh xăng dầu mới đây. Nếu doanh nghiệp nào không đảm bảo cung cấp nguồn xăng dầu cho cả nước vì lý do kinh doanh lỗ thì có thể xin thôi. Ý kiến của ông Huệ được dư luận đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu doanh nghiệp không xin thôi kinh doanh và bằng một cách nào đó “dọa” lại Nhà nước thì Nhà nước sẽ xử lý như thế nào?

Ngày 3-10, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trong cuộc họp giao ban trực tuyến công tác tháng với lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, do chiết khấu hoa hồng của doanh nghiệp đầu mối cho đại lý quá thấp nên tại một số huyện ngoại thành Hà Nội có hiện tượng đại lý xăng dầu giảm thời gian bán hàng hoặc đóng cửa. Phải chăng, doanh nghiệp đầu mối đang “dọa” Nhà nước bằng cách giảm chiết khấu cho đại lý, để đại lý kinh doanh khó khăn mà tự động tạm ngừng cung cấp mặt hàng này?

Dù vô tình hay cố ý thì hệ lụy dây chuyền của việc doanh nghiệp “dọa” Nhà nước cũng xảy ra. Nếu đại lý giảm bán hàng hoặc đóng cửa, người dân sẽ thiếu hàng hóa tiêu dùng. Khi ấy, để đảm bảo nguồn cung trở lại, Nhà nước có thể làm bằng nhiều cách, trong đó có giải pháp tăng giá bán lẻ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp kinh doanh có lãi, thuận lợi hơn, chiết khấu nhiều hơn cho đại lý, đại lý sẽ mở cửa trở lại. Và như vậy, doanh nghiệp đạt được mục đích của mình!

Một biện pháp khác nữa là Nhà nước có thể có chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp đầu mối nhưng biện pháp này chắc không dễ thực hiện. Người tiêu dùng vẫn sẽ mua hàng một cách “bập bõm”, lúc được lúc không. Rõ ràng, một biện pháp linh hoạt xử lý vấn đề này đang cần được đưa ra, để doanh nghiệp không thể dọa Nhà nước, Nhà nước cũng thực hiện đúng trách nhiệm quản lý và quyền lợi người dân được đảm bảo.