Doanh nghiệp đề xuất tăng giờ làm thêm

ANTĐ - Theo Bộ luật Lao động, số giờ làm thêm của người lao động được quy định không quá 300 giờ/năm. 
Doanh nghiệp đề xuất tăng giờ làm thêm  ảnh 1

Tăng giờ làm thêm phải đi kèm với tăng lương cho người lao động. Ảnh: THUẦN THƯ

                                                

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề nghị phải nâng giờ làm thêm, bởi quy định người lao động chỉ được phép làm thêm khoảng 200-300 giờ/năm đang gây khó cho họ trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đề xuất tăng gấp đôi

“Trong khi Trung Quốc cho phép người lao động làm thêm 600 giờ/năm, Nhật Bản 720 giờ/năm… thì nước ta vẫn quy định giờ làm thêm không quá 30 giờ trong một tháng và không quá 200 giờ/năm, trừ các trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Làm thêm giúp lao động có thêm thu nhập để nuôi người phụ thuộc, đó là nhu cầu thực tế, tại sao chúng ta lại hạn chế mong muốn chính đáng của họ... Cần điều chỉnh theo hướng tăng giờ làm thêm cho người lao động” - ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Hưng Yên đề xuất.

Dẫn thực tế từ doanh nghiệp của mình, nếu không làm thêm, mức lương của người lao động chỉ khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, nếu làm thêm có thể đạt 7 triệu đồng/người/tháng, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, tăng thời gian làm thêm giúp người lao động giảm nghèo, gắn bó hơn với doanh nghiệp chứ không phải để bóc lột sức lao động của họ.

Đồng quan điểm, tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, quy định thời gian làm thêm giờ đang gây khó cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú cho biết, nếu cứ máy móc áp quy định người lao động không được làm thêm quá 200-300 giờ/năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất theo mùa vụ sẽ điêu đứng. “Vào dịp cao điểm mùa vụ, tôm chế biến được chuyển đến nhà máy quá nhiều, doanh nghiệp phải tăng ca, nhưng nếu như vậy sẽ vi phạm quy định về giờ làm thêm” – ông Chu Văn An nói. Doanh nghiệp này đề xuất tăng giờ làm thêm lên 600 giờ/năm.

Bà Phan Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nhân sự - Công ty Điện tử Samsung Vina cho biết, doanh nghiệp có hơn 100.000 lao động. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, có những mặt hàng mang tính chất “thời vụ”, cần gấp rút hoàn thành đơn hàng để giao cho đối tác nhưng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam quy định không quá 300 giờ/năm là quá thấp, khiến doanh nghiệp không xoay xở kịp. “Quy định ngặt nghèo như vậy làm khó doanh nghiệp” – đại diện Công ty Samsung bày tỏ.

Phải đi kèm với tăng lương

Trước ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, quy định người lao động chỉ được phép làm thêm tối đa 300 giờ/năm đúng là chưa hợp lý, trong quá trình triển khai thực tế thời gian qua đã gặp nhiều vướng mắc. Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu nhằm có quy định phù hợp về thời gian làm thêm giờ theo hướng thỏa thuận một cách linh hoạt giữa doanh nghiệp với người lao động, không máy móc.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng chia sẻ, trên cơ sở ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét tăng mức trần giờ làm thêm.

Trong khi đó, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cần cân nhắc việc tăng trần quy định giờ làm thêm song điều quan trọng không kém là phải tăng lương phù hợp cho người lao động. “Hiện nay, người lao động có mức thu nhập 3-4 triệu đồng chiếm 32,4%, mức 4-5 triệu đồng chiếm 26,7%; số còn lại ở mức 7-8 triệu đồng. Với mức lương như vậy, họ chỉ đủ sống. Ở nước ngoài, người ta tăng lương để tăng thu nhập, còn mình tăng làm thêm là để đủ sống nên phải xem xét tăng lương phù hợp” – đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu quan điểm.