Doanh nghiệp đau đầu vì tăng lương tối thiểu

ANTĐ - Đồng tình với việc quy định về lương tối thiểu là chính sách rất quan trọng với người lao động nhưng đại diện nhiều doanh nghiệp Hà Nội cho rằng, thời điểm tăng lương tối thiểu cần phải xem xét bởi khi doanh nghiệp gặp khó khăn, việc tăng lương sẽ tạo sức ép không nhỏ lên doanh nghiệp. 
Doanh nghiệp đau đầu vì tăng lương tối thiểu ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi tăng lương trong thời điểm này


Tăng lương càng đẩy doanh nghiệp khó khăn hơn

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian từ tháng 1-2003 đến tháng 5-2013 đã có 8 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Liên tục được điều chỉnh song lương tối thiểu chưa bao giờ đạt mức sống tối thiểu. Hiện nay ước tính mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người lao động. Việc tăng lương tối thiểu là cần thiết nhưng theo các chuyên gia thì cần phải được xem xét kỹ nhiều góc độ.

Bà Nguyễn Minh Chi, chuyên gia tư vấn của VCCI dẫn kết quả nghiên cứu quy mô nhỏ được thực hiện mới đây về tác động và ảnh hưởng của chính sách tăng lương tối thiểu đến vấn đề việc làm và quản trị doanh nghiệp cho thấy, mức lương trung bình ở các doanh nghiệp được khảo sát đạt mức 3,5 triệu đồng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Với 71% doanh nghiệp tăng quỹ lương năm 2012 vì lý do chủ yếu là bù trượt giá chứ không phải vì tăng lương tối thiểu cho thấy doanh nghiệp ý thức rõ vấn đề bảo đảm nguồn nhân lực thông qua trả thu nhập dưới nhiều hình thức khác nhau như trả lương cao hơn mức lương tối thiểu, trợ cấp, thưởng và tăng lương ngay trong thời điểm khó khăn.

Cũng theo khảo sát của VCCI, phần nhiều doanh nghiệp không đánh giá cao chính sách tăng lương tối thiểu trong thời điểm hiện tại với lý do chính đưa ra là tăng lương tối thiểu trong thời điểm doanh nghiệp đang phải gồng mình chống chọi với khó khăn như hiện nay sẽ làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. 

Nên giảm sức ép lên lương tối thiểu

Bàn về mức lương tối thiểu, ông Yoon Youngmo, Cố vấn trưởng về Quan hệ Lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho rằng phần lớn người lao động, đặc biệt của các công ty lớn, đã nhận mức lương cao hơn nhiều so với mức tiền lương tối thiểu. Vì mức lương thấp nhất tại các công ty lớn đã cao hơn mức tiền lương tối thiểu, nên “tỷ lệ” tăng – chứ không phải con số tăng tiền lương tối thiểu – làm ảnh hưởng đến mức tiền lương tại những doanh nghiệp này. Nếu tiền lương tối thiểu tăng lên khoảng 10%, người lao động và cả người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp có thể nghĩ rằng nên tăng lương theo tỷ lệ đó. Nhưng theo ông Yoon Youngmo, mối liên hệ như vậy không phải là cơ chế hiệu quả để tăng tiền lương tại các doanh nghiệp lớn vì “mối liên hệ này không phản ánh được tăng năng suất, mức lợi nhuận và khả năng chi trả tại các doanh nghiệp khi xác định mức lương” – ông Yoon Youngmo nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Yoon Youngmo, điểm đột phá cần có là người lao động trong các doanh nghiệp lớn nên sử dụng thương lượng tập thể thay vì tiền lương tối thiểu để điều chỉnh tiền lương. Hình thức thương lượng tập thể để điểu chỉnh lương chưa triển khai mạnh trong doanh nghiệp cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra sức ép không mong đợi lên hệ thống tiền lương tối thiểu. Trong khi đó, người lao động của các doanh nghiệp lớn hoặc các công đoàn sẽ có thể tác động đến quyết định điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo hướng gây ra những kết quả tiêu cực. “Điều quan trọng là hệ thống tiền lương tối thiểu cần tập trung vào nhóm những người lao động nhận mức lương thấp nhất trên thị trường lao động” – ông Yoon Youngmo đề xuất.

Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 70% nhu cầu sống tối thiểu

- Vấn đề tiền lương đang là quan tâm của dư luận, trong điều kiện kinh tế  khó khăn như hiện nay thì lộ trình cải cách tiền lương của ta có gì thay đổi không, thưa ông? 

- Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Trong thời gian này vấn đề nổi lên lại là chuyện tiền lương. Lương trong khu vực sản xuất kinh doanh vừa tăng 17% từ 1-1-2013 (dự kiến tăng 36% nhưng không đạt),  khu vực hành chính sự nghiệp còn thấp hơn, bằng khoảng 70% lương tối thiểu của khu vực sản xuất kinh doanh. Còn lương tối thiểu dù đã tăng lên song cũng chỉ đáp ứng được 62 - 69% nhu cầu sống tối thiểu. Bây giờ có điều chỉnh tăng thì vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Chính phủ cũng đã tính kinh phí tăng thêm để thực hiện tăng mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2013 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 21.700 tỷ đồng. Vừa rồi, Chính phủ đã báo cáo đề án cải cách tiền lương với Bộ Chính trị nhưng vẫn chưa thể báo cáo tại Hội nghị BCH Trung ương vào kỳ họp tới. 

- Tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động vậy làm thế nào để quyết bài toán này, thưa ông?

- Để đảm bảo tiền lương tối thiểu phải gắn chặt với nhu cầu tối thiểu, tôi nghĩ mức sống tối thiểu phải là mức sống chung của cả xã hội. Mức sống đó phải được căn cứ, tính toán trên nhu cầu đáp ứng lượng calo hàng tháng của người lao động. Thứ 2 là phần phi lương thực để người ta đảm bảo các tiêu dùng về sinh hoạt như nhà ở, học hành, chữa bệnh… và thứ 3 phải có điều kiện để nuôi con cái, nuôi bố mẹ. Phải có cơ quan thống kê điều tra. Mà không có cơ quan nào khác ngoài cơ quan có tư cách pháp nhân của Nhà nước, đó là Tổng cục Thống kê, tiến hành một cuộc khảo sát lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu, lựa chọn khu vực đồng đều. Chất lượng điều tra đúng, chúng ta sẽ có kết quả đúng. Việc đó đang giao cho Tổng cục Thống kê tính toán để đề xuất với Chính phủ.