Định hướng trước khi làm

ANTĐ - Thời gian gần đây, cụm từ “tái cơ cấu” xuất hiện với tần suất khá cao. Trước đây, đổi mới đã là cả một chặng đường cực kỳ gian nan, khó khăn. Sau đó là quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng không kém phần chật vật và nay, tái cấu trúc nền kinh tế xem ra còn khó khăn, thách thức gấp bội. Tại cuộc hội thảo tái cấu trúc kinh tế vừa diễn ra, các ý kiến đều cho rằng điểm thuận lợi dễ nhận thấy nhất hiện nay của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế là sự nhất trí cao của các cấp, các ngành. Song, quá trình tái cấu trúc vẫn còn luẩn quẩn về các quan điểm.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dự báo kinh tế (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nhấn mạnh, trước khi tái cơ cấu cần phải định hướng rõ ràng về mô hình kinh tế với chiều sâu và chiều rộng cụ thể, nếu không định hướng sẽ rất khó thực hiện. Phải có định hướng rồi mới làm, đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, thì tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước là khó khăn nhất. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại nhận định, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới là loại “tái cấu trúc kinh khủng nhất”, bởi lẽ phải tái cấu trúc giữa một bên là nhà nước, một bên là thị trường cho nên sức chi phối của nhóm lợi ích là rất lớn.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp đã diễn ra nhiều năm nay, chỉ có tên gọi có thể khác nhau. Do đó, chức năng của nhà nước là điều tiết vĩ mô kinh tế thông qua việc sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó công cụ quan trọng là doanh nghiệp nhà nước và xu hướng lâu dài là nhà nước giảm điều hành kinh tế cụ thể, tập trung thực hiện chức năng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo dịch vụ công. Đáng chú ý là quan điểm này được đưa ra sau một thời gian Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước lấy ý kiến của các chuyên gia để xây dựng Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trước đó, nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến, việc tái cấu trúc phải bắt đầu từ việc “định vị” vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Nhiều ý kiến cũng nhất trí phải rạch ròi giữa chức năng công ích và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Trong khi các bộ đầu ngành đều thống nhất là phải kết hợp tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng chưa có gì để làm ngoài việc hợp nhất 3 ngân hàng vừa qua. Một tiến sĩ kinh tế bày tỏ băn khoăn: xuyên suốt chương trình tái cơ cấu đều nêu rõ 3 mũi nhọn tái cấu trúc, song chưa rõ dựa trên cái gì để tái cơ cấu. Riêng về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thống đốc ngân hàng nhấn mạnh khi tiến hành tái cơ cấu liên quan đến phần không phải của nhà nước sẽ rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Hơn thế, lại không để xảy ra đổ vỡ nên năm 2012 phải xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, khoanh vùng các tổ chức tín dụng kém để không ảnh hưởng xấu đến toàn hệ thống. Vai trò lớn nhất của ngân hàng là niềm tin, do vậy bằng cách này hay cách khác, Ngân hàng Nhà nước cần khẳng định rằng 10 năm sau tái cơ cấu, không để xảy ra chuyện lại phải tái cơ cấu một lần nữa.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, không vì lợi ích riêng của ngành mình mà làm trái quy định, đừng để Chính phủ phải lo lắng quá nhiều tới các ngân hàng. Hãy để Chính phủ dành nhiều thời gian cho những công việc quan trọng hơn. Vấn đề đặt ra là phải định hướng rõ trước khi làm một cách bài bản, cụ thể, đặc biệt là phải xác định được cái đích và thời gian.