Định giá sách cũ còn tùy tâm lý người mua

ANTD.VN - Sách cũ thường khiến nhiều người nghĩ rằng, đó là một thứ lỗi thời và bán rẻ như cho. Thế nhưng bây giờ thì khác, có khi sách cũ còn đắt hơn cả vài chục lần.

Khác với những cuốn sách mới đang được bày bán phổ biến trên thị trường, những cuốn sách cũ ẩn mình dưới lớp bụi mềm của thời gian. Những màu sắc giấy ố vàng, sờ tay ram ráp; hoặc màu giấy có chút màu xám đen ở cái thời túng thiếu, nghèo nàn... 

Định giá sách cũ còn tùy tâm lý người mua ảnh 1Phần lớn người tìm đến sách cũ là người trung niên và cao tuổi

Sách cũ đắt hàng

So về số lượng, các hiệu sách cũ ở Hà Nội thường hiếm hơn phía Nam. Có một thời gian dài, người ta chuyển sách cũ từ Hà Nội vào trong Nam để bán. Người kinh doanh sách nắm bắt rất nhanh nhạy nhu cầu của người dùng và nguồn gốc các loại sách nên định ra muôn kiểu loại giá, người thực tâm định giá thuận mua vừa bán, người hét lên tận giá trên trời. Những “mánh” trong việc định giá của người bán sách cũ được hình thành như một quy luật dễ hiểu.

Bàn thêm về chuyện giá cả của sách cũ, vì sao sách cũ mà giá không rẻ nhưng vẫn đông người mua như vậy? Theo anh Hoàng Ngọc Viên, một người chơi sách cũ đã hơn chục năm ở Hà Nội, việc định giá sách cũ dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất, một cuốn sách cũ quý hiếm phải có giá trị nhất định đối với một thời đại, thông thường đó là sách khảo cứu mà tác giả cuốn sách là một danh nhân. Đây là loại rất kén độc giả. Nó là sách đặc thù.

Ví dụ, nếu bạn mua một bản in cuốn Sử ký Tư Mã Thiên do Phan Ngọc dịch hiện nay, giá bìa chỉ khoảng 160.000 đồng. Nhưng nếu bạn mua cuốn sách này bản in năm 1980 thì giá phải từ 300.000 đồng trở lên. Còn nếu bản in Sử ký Tư Mã Thiên những năm 1960 thì giá thành không dưới 500.000 đồng.

Yếu tố thứ hai là thời gian. Đều là tác phẩm Lều Chõng - Ngô Tất Tố, hai cuốn không khác nhau một chữ nào, một cuốn in năm 1997 và một cuốn in năm 1952. Cuốn in năm 1952 mặc dù rất xấu, bìa rách nát nhưng giá trị của nó cách nhau 7 lần. Anh Viên đã bán cuốn cũ giá 350.000 đồng, cuốn còn lại 50.000 đồng và người khách nhất quyết mua cuốn giá cao hơn. Một yếu tố khác khiến một cuốn sách cũ được định giá cao, đó là sách không được tái bản mà bạn đọc có nhu cầu thưởng thức, hoặc sách đã tái bản trở thành cuốn “hot” trên thị trường khiến bạn đọc lùng tìm bản cũ.

Tìm về tuổi thơ 

Có thể thấy, phần lớn sách in trước đây tuy chất lượng giấy kém nhưng nội dung được biên tập rất tốt, nên giá thành dẫu cao mà bạn đọc có trình độ vẫn cứ tìm đến. Đã bao người ngỡ ngàng với tập thơ “Đầy vơi” - Đái Đức Tuấn bản thuần giấy dó - NXB Mới, in năm 1943 chỉ với 369 bản đặc biệt có đánh số. Trong 369 bản in ghi rõ bao nhiêu bản đặc biệt thuần giấy dó, bao nhiêu bản in ra để đốt cho người quá cố, 24 bản đầu có chuyện riêng và chữ ký tác giả không bán, đốt cho bạn đọc yểu vong... Rồi mới là số bản phát hành cho bạn đọc thưởng thức.

Với nhiều “người muôn năm cũ” vừa sống vừa hoài niệm, họ cứ mãi thích mùi sách cũ hơn mùi sách mới. Bạn Nguyễn Trung Hiếu (25 tuổi) chia sẻ: “Hồi nhỏ học sinh không có tiền nên mượn sách cũ và quen cái nếp đó rồi. Không phải mình chê sách mới. Sách cũ mình cảm nhận được đã rất nhiều người đọc qua và khi đọc mình sẽ thêm quý trọng từng trang sách một”. Song, phần lớn người ta tìm đến sách cũ khi đã trung niên hoặc cao tuổi. Thế hệ 7x, 8x mang nỗi niềm tha thiết với dòng sách Liên Xô đã gắn với kỷ niệm. Họ đã đọc, giờ có điều kiện nên khao khát tìm đúng lại cái bản ấy.

Thú vị hơn, nhiều người thế hệ cuối 8x, đầu 9x lại đi khắp các Hội sách cũ để tìm cho ra bộ sách giáo khoa ngày xưa từng học để tìm về tuổi thơ. Khi cất giọng hỏi chủ nhà sách có bộ sách giáo khoa năm 1997 hay không, đã rưng rưng khấp khởi chờ đợi như sắp khóc.