Định giá hay “thả giá”?

ANTĐ - Kết quả công trình nghiên cứu “Việt Nam chuyển đổi 2011”, vừa được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố cho thấy, có tới 68% người dân được thăm dò ý kiến cho rằng, Nhà nước nên can thiệp vào giá cả để bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Điều này dường như trở thành mâu thuẫn khi nước ta đang gắng sức để được thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường.

Theo dự án Luật Giá vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, có tới 10 mặt hàng và dịch vụ thuộc diện Nhà nước định giá, bao gồm: xăng dầu, nước sạch, hàng dự trữ quốc gia; nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà thuộc sở hữu Nhà nước, dịch vụ chuyển tải điện, phân phối điện, dịch vụ khám chữa bệnh; các cơ sở giáo dục - đào tạo của Nhà nước… chỉ nhìn vào danh mục các mặt hàng và dịch vụ có tính chất “sống còn” trong đời sống, hoàn toàn có thể hiểu vì sao đại đa số người dân vẫn mong muốn được Nhà nước “dang tay” che chở, can thiệp vào giá cả, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thoát khỏi cảnh “tranh tối, tranh sáng”, cạnh tranh thiếu minh bạch và bình đẳng. Trong khi đó nền kinh tế nước ta luôn thiếu ổn định, luôn rơi vào tình thế lạm phát hoặc suy thoái, luôn dao động theo những “cơn sóng” hoặc “cơn sốt” tài chính, kinh tế trên thế giới. Vậy chúng ta phải đợi đến khi nào nền kinh tế thực sự ổn định, ít bị tác động từ bên ngoài thì mới định hình được nền kinh tế thị trường? Tiến tới kinh tế thị trường mà vẫn bị “trói chặt” bởi cơ chế định giá thì còn lâu mới có được một thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Trong phiên thảo luận dự án Luật Giá, Chủ tịch Quốc hội tỏ thái độ quyết liệt về vấn đề định giá. Ông đưa ra một số bằng chứng ví như nước sạch, Nhà nước định giá thì rất khó khăn cho nhà đầu tư. Đặc biệt với giá xăng sẽ không còn chuyện điều chỉnh giá nữa nếu Luật Giá ra đời. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá xăng đã đi được nửa đường theo cơ chế thị trường. Hoặc như giá điện sẽ đi theo kinh tế thị trường từ năm 2013, nếu bây giờ lại được định giá thì lộ trình này sẽ thực hiện như thế nào? Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đồng tình khi cho rằng, đã xác định lộ trình thực hiện giá thị trường, mà những mặt hàng vẫn được định giá thì cái đích cơ chế thị trường còn xa vời.

Tuy vậy, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm soạn thảo dự án Luật Giá và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội là cơ quan thẩm tra, dự án đều giữ vững quan điểm về định giá. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đời sống của nhân dân. Có ba lý do để Nhà nước phải định giá, đó là những mặt hàng dùng ngân sách Nhà nước hoặc ngân sách chiếm tỷ trọng lớn. Hai là những mặt hàng độc quyền như điện, xăng không thể “thả giá” được. Ba là, những mặt hàng dịch vụ thiết yếu đối với đời sống. Chẳng hạn, điện độc quyền quá lớn, có thể dẫn đến hiện tượng “bắt chẹt” người dân, nếu không định giá thì sẽ lợi dụng để đưa ra giá độc quyền. Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, xăng dầu, điện lực trong một vài năm tới chưa thể xóa được độc quyền, vì thế nếu không định giá sẽ rất khó bình ổn giá.

Theo cam kết gia nhập WTO, không có điều khoản nào không cho phép Nhà nước được quyền định giá. Sự lựa chọn giữa “thả giá” và định giá ở nước ta quả thật là rất khó. Chừng nào còn giá độc quyền thì Nhà nước vẫn phải “cầm cương” giá cho chắc.