Điêu khắc gia nổi tiếng tạc tượng 3 nhà khoa học nữ điều chế ra vaccine chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một trong những nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam là Phạm Văn Hạng đã dành 2 tháng tập trung cho công việc tạc tượng 3 nhà khoa học nữ điều chế ra vaccin Moderna, Pfizer và Astra Zeneca. Theo ông, đây là cách để nhà điêu khắc 80 tuổi này bày tỏ lòng biết ơn với những người làm khoa học.

Phạm Văn Hạng là tác giả thiết kế con rồng trên cầu Rồng bắc qua sông Hàn của Đà Nẵng. Một tác phẩm thấm đẫm chất mỹ thuật dân gian thời nhà Lý. Một con rồng thép kéo dài hơn 600 mét vượt qua sông Hàn. Cây cầu này gắn với kỷ lục thế giới "Con rồng thép lớn nhất".

Trước đây, Phạm Văn Hạng từng là phóng viên chiến trường tại Quảng Trị. Ở nơi tuyến lửa, được chứng kiến quân ta và địch được chăm sóc y tế ngang nhau khi gặp thương tích, ông đã được tỏ tường y đức của các bác sĩ và kết tâm tình với giới khoa học và sáng tạo.

Nhờ thế, ông có cho mình bộ chân dung các bác sỹ nhi Nguyễn Khắc Viện, bác sỹ phẫu thuật Phạm Biểu Tâm, nhà sử học Đào Duy Anh, các nhà thơ, nhà văn như Văn Cao, Trần Dần, Hữu Loan...

3 bức tượng tạc 3 nhà khoa học điều chế ra vaccine chống Covid

3 bức tượng tạc 3 nhà khoa học điều chế ra vaccine chống Covid

Có thể nói, lần tạc tượng chân dung 3 nhà khoa học điều chế ra vaccine chống Covid không có gì lạ khi nó nằm trong mạch sáng tác của ông và là mối lương duyên của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng với giới khoa học.

Đó là bà Katalin Karikó (Hungary) và bà Özlem Türeci (Đức) - hai nhà khoa học thuộc liên minh phát triển các nhãn hiệu vaccine Moderna, Pfizer. Trong khi đó bà Sarah Gilbert (Anh) đã cùng các cộng sự khẩn trương chế tạo loại vaccine AstraZeneca.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã chọn phong cách tả thực để tạc tượng 3 bà với phong thái gần gũi, đời thường, chứ không quá trang trọng, bề thế. Hơn nữa, đây đều là những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học chính xác, nên việc ông chọn phong cách tả thực hoàn toàn phù hợp.

Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Phạm Văn Hạng cho biết: “Sau khi nghiên cứu về tiểu sử và sự nghiệp của 3 nhà khoa học, tôi thấy họ khá giản dị, khiêm tốn, bao dung. Thật sự khi bắt tay vào làm, tôi có cảm giác như đang tạc tượng những người thân quen. Có lẽ điều này là do sự ngưỡng mộ công đức vô lượng của họ. Mục đích đầu tiên và duy nhất khi tạc tượng của tôi là chỉ muốn bày tỏ tấm lòng của người thụ ơn, nên làm hết cảm xúc, còn đẹp xấu thế nào thì người xem tượng tự thẩm định và đánh giá riêng”.

3 bức tượng chân dung là thành quả của 2 tháng miệt mài, tràn đầy cảm hứng nghệ thuật và lòng mến trọng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tới các nhà khoa học.

Phạm Văn Hạng sinh năm 1942 (Nhâm Ngọ), tại làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Lịch sử mỹ thuật đương đại Việt Nam không thể không nhắc tới Phạm Văn Hạng. Gần nửa thế kỷ lao động nghệ thuật, kể từ "Chứng tích" (Sài Gòn, 1970), một tác phẩm mang từ chiến trường Quảng Trị đến "Đất lành" (Đá), "Cầu Rồng" (thép), "Đà Nẵng" - 2013, ông đã cắm những đỉnh cao về nghệ thuật tạo hình.

Gần đây, bức điêu khắc gửi gắm thông điệp tình nghĩa, hòa bình, thủy chung... giữa ba miền Bắc-Trung-Nam của ông đã vượt qua loạt bài dự thi khác để được chọn đặt tại công viên Phú Tài, Bình Định.