Dịch tiêu chảy cấp bùng phát tại nhiều địa phương

(ANTĐ) - Từ đầu tháng 3-2008 đến nay, nhiều tỉnh miền Bắc đã xuất hiện bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, trong đó có cả bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả, song Bộ Y tế vẫn một mực giữ quan điểm rằng, sự xuất hiện của các bệnh nhân này hoàn toàn nằm trong dự định và chưa có gì nghiêm trọng.

Dịch tiêu chảy cấp bùng phát tại nhiều địa phương

(ANTĐ) - Từ đầu tháng 3-2008 đến nay, nhiều tỉnh miền Bắc đã xuất hiện bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, trong đó có cả bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả, song Bộ Y tế vẫn một mực giữ quan điểm rằng, sự xuất hiện của các bệnh nhân này hoàn toàn nằm trong dự định và chưa có gì nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đến ngày hôm qua (2-4), với việc Vĩnh Phúc, Hà Nam tiếp tục gia nhập danh sách các tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy cấp, Bộ Y tế đã chính thức thừa nhận, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã quay trở lại.

Đã có 10 tỉnh xuất hiện dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

Chiều qua (2-4), nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, vừa có thêm 2 tỉnh mới là Hà Nam và Vĩnh Phúc xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả, nâng tổng số địa phương xuất hiện dịch tiêu chảy cấp lên con số 10 tỉnh, thành. Đây đều là những tỉnh đã bùng phát dịch hồi cuối năm ngoái. Hiện tại, tổng số bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả trên cả nước đã tăng lên 85 trường hợp, nhiều hơn đến 28 ca so với một ngày trước đó (57 ca). Hà Nội là địa phương có số bệnh nhân tiêu chảy cấp dương tính với phảy khuẩn tả nhiều nhất (44 ca) và mức tăng cũng cao nhất (tăng hơn 15 ca so với ngày 1-4).

Ngộ độc tập thể cũng là một nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp
Ngộ độc tập thể cũng là một nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp

Điều đáng nói là từ đầu năm đến nay vẫn có nhiều vụ ngộ độc tập thể, làm nhiều bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp. Ví dụ như vụ ngộ độc thực phẩm tại một đám cưới ở Thanh Hóa ngày 24-3, gần 600 người ăn cỗ trong đám cưới thì có 41 người bị ngộ độc, 6 người dương tính với phẩy khuẩn tả... Mặt khác, qua cảm nhận của một số bác sĩ, dường như dịch tiêu chảy cấp năm nay đã diễn biến nguy hiểm hơn, phức tạp hơn so với vụ dịch năm ngoái. Một nữ bác sĩ ở Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, trong số 67 bệnh nhân tiêu chảy cấp nặng đang nằm điều trị tại Viện này (tính trong ngày 2-4) thì có đến 57 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính với phẩy khuẩn tả (năm ngoái chỉ có 15% bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả trong tổng số các bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp).

Về nguồn lây bệnh tả, theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), nguồn phát bệnh và lây truyền chính vẫn là những nhóm thực phẩm nguy cơ cao như rau sống, thịt chó, mắm tôm. Qua điều tra dịch tễ ở các bệnh nhân dương tính với phẩy  khuẩn tả từ đầu năm đến nay cũng cho thấy, có đến hơn 60% số bệnh nhân nhiễm tả có liên quan đến 3 nhóm thực phẩm này. Cũng theo ông Nga, khuẩn tả đã lan rộng ra môi trường thể hiện ở việc nhiều mẫu nước ở các hồ, ao trên địa bàn Hà Nội được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả, trong đó có cả những hồ lớn ở khu đông dân cư như hồ Linh Quang (quận Đống Đa). Bộ Y tế đặc biệt quan tâm đến vấn đề sử dụng phân tươi bón rau, vì rau nhiễm bẩn chính là nguồn lây bệnh tả.

Bệnh nhân tăng lên từng giờ

Tại BV Xanh Pôn - Khoa Nội II đã trở thành nơi tập trung điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong buổi sáng 2-4 đã có khoảng 20 bệnh nhân vào khám tiêu chảy cấp ở đây (qua sổ theo dõi bệnh nhân), trong đó có nhiều trẻ nhỏ và cả những phụ nữ mang thai. Chị Nguyễn Hồng T. (phố Lê Hồng Phong, quận Ba Đình) là một trường hợp như vậy. Theo lời chị T., trước khi có hiện tượng đi tiêu chảy nhiều lần trong ngày, chị T. có ăn thịt chó, mắm tôm ở quán.

Tại BV Đống Đa, diễn biến có phần còn căng thẳng hơn. Toàn bộ tầng 3 của Khoa Lây đã trở thành khu vực cách ly điều trị các bệnh nhân tiêu chảy cấp. Trong khu vực này có các tấm biển lớn phân nơi điều trị thành 3 khu rõ ràng gồm: khu bệnh nhân xác định, khu bệnh nhân nghi ngờ và khu bệnh nhân sắp ra viện. Qua quan sát tại một phòng thuộc khu bệnh nhân sắp ra viện, mặc dù đã được tăng cường thêm giường bệnh nhưng hầu hết các giường đều trong tình trạng nằm ghép do lượng bệnh nhân quá đông. Song khi biết chúng tôi là phóng viên, lãnh đạo BV cũng như các bác sĩ trong khoa đã từ chối không cung cấp số liệu cụ thể, cũng không cho chụp ảnh.

Điển hình nhất của sự gia tăng bệnh nhân tiêu chảy cấp vẫn là Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Ông Nguyễn Đức Hiền - Viện trưởng cho biết, chỉ trong một ngày (1-4) đã có đến 40 bệnh nhân tiêu chảy cấp vào điều trị. Nhiều bệnh nhân nặng bị trụy tim mạch, huyết áp xuống dưới 0, suy thận nặng..., thậm chí có những bệnh nhân đã phải tiếp đến 70 chai dịch truyền vẫn chưa thể hồi phục...

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống, dập dịch tiêu chảy cấp, nhất là việc tổng vệ sinh môi trường, nguồn nước và giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ khuyến cáo người dân tăng cường thực hiện ăn chín uống sôi.

Tiến Hưng