Dịch tay chân miệng vẫn chưa được công bố

ANTĐ - Theo dự báo của Bộ Y tế, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) sẽ tiếp tục tăng cao cho đến khoảng tháng 11 tới. Hiện tại, tình hình dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp vì không có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi tỷ lệ người lành mang trùng cao.

Bệnh nhi đến khám TCM vẫn rải rác tại Hà Nội


Đủ tiêu chuẩn công bố dịch

Rà lại các thống kê dịch bệnh của Bộ Y tế cho thấy, dịch TCM ở nước ta bắt đầu gia tăng mạnh từ cuối tháng 5 với 850 ca mắc một tuần, sau đó đạt đỉnh vào đầu tháng 7 với số ca mắc trong một tuần tăng gần 3 lần. Thời điểm đó liên tục ghi nhận trẻ tử vong. Đến đầu tháng 8, dịch đã lan ra 49 địa phương, với hơn 29.000 ca mắc, 79 trẻ tử vong, trong khi 2 năm trước đó, mỗi năm cả nước chỉ ghi nhận hơn 10.000 trẻ mắc TCM. Đến nay, số mắc TCM vẫn chưa giảm thậm chí còn có xu hướng tăng lên, lan rộng, đặc biệt đã trở nên “nóng” hơn rất nhiều tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Các báo cáo của Bộ Y tế thời điểm này cũng chỉ ra, dịch TCM đang ở mức cao với trên 2.000 ca mắc mới mỗi tuần. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có địa phương nào công bố dịch TCM.

Thực tế, theo báo cáo tổng hợp thì số ca mắc TCM mới trong 1 tuần vào thời điểm này cao gấp nhiều lần con số 2.000 ca trong báo cáo. Chẳng hạn, theo số liệu tính đến ngày 29-9, cả nước ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc. Trước đó, báo cáo đến ngày 23-9 của Bộ Y tế mới chỉ có hơn 57.000 ca bệnh, như vậy là chỉ trong vòng 1 tuần số ca mắc đã tăng lên gần 4.800 ca. Một số địa phương đã đủ điều kiện công bố dịch, ví dụ như tại Quảng Ngãi hiện đã có 6.000 bệnh nhân, 5 trẻ tử vong được ghi nhận… Nhưng hiện cũng vẫn chưa có địa phương nào công bố dịch.


Không phải trách nhiệm ngành y

Trước rất nhiều câu hỏi từ phía các cơ quan báo chí trong những ngày gần đây về việc “tại sao chưa công bố dịch TCM?”, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, việc công bố dịch không thuộc phạm vi và trách nhiệm của Bộ Y tế. Theo đó, Căn cứ vào Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, việc công bố dịch bệnh TCM thuộc thẩm quyền của mỗi địa phương. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn để thực hiện việc công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm đúng thời điểm.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, TCM là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, chưa phải là dịch đặc biệt nguy hiểm như cúm A/H5N1, SARS... tỷ lệ tử vong trên số ca mắc cũng không cao. Theo y văn, đa số ca bệnh ở thể nhẹ, chỉ có một tỷ lệ nhỏ có biến chứng nặng, hơn nữa chủng virus này đã lưu hành nhiều năm qua chứ không phải là bệnh mới nên việc công bố dịch ồ ạt là không cần thiết. Về việc số ca tử vong do TCM đang tăng lên đột biến thời gian gần đây, điển hình như ở Hà Nội ghi nhận liên tiếp 2 ca tử vong, khiến người dân hết sức hoang mang, ông Hiển thừa nhận đây là vấn đề khó lý giải và cần tiếp tục nghiên cứu, nhất là độc tính virus TCM ở các trẻ tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, các trường hợp mắc và tử vong do TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là lứa tuổi trẻ chưa thể tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Điều đó cho thấy sự gia tăng số mắc, tử vong do TCM phụ thuộc nhiều vào kiến thức, ý thức thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng chống bệnh TCM cũng như sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tại địa phương chưa được tích cực. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, đặc biệt là việc rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, phát hiện và cách ly sớm các ca bệnh…

UBND TP Hà Nội vừa có công văn số 3608/VP-VHKG gửi Sở GD&ĐT trả lời vấn đề Báo ANTĐ nêu trong bài “Lo ngại dịch TCM: Bệnh viện đông, trường học vắng”, phản ánh về hiện tượng một số phụ huynh học sinh trường mầm non lo ngại dịch bệnh TCM cho con nghỉ học. Theo đó, UBND thành phố giao Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra, có biện pháp xử lý ngay những vấn đề tồn tại này và báo cáo kết quả với UBND thành phố.