“Đi tìm một vì sao”, tác phẩm văn chương với giọng kể chân thực, quyến rũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Đi tìm một vì sao” là một cuốn sách viết rất công phu, hấp dẫn. Dù là tự kể chuyện mình như dạng hồi ký nhưng đậm chất văn chương có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với người đọc. Đặc biệt là trong tự truyện có những tấm ảnh, những trang nhật ký rất đáng quý từ thời 1971-1975 khi tác giả ở chiến trường.

Tuổi trẻ và sự tôi luyện trong lò lửa chiến tranh

Tác giả cuốn sách Phạm Quang Nghị sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên bờ sông Mã, làng Yên Hoành, xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Quê anh được đất trời ban tặng, có núi, có sông, có những cánh đồng. Người làng là những nông dân cần cù, tháo vát từ ngàn xưa đã quen một nắng hai sương, gắn bó với những cánh đồng màu mỡ ven sông.

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân, nhưng gia đình của anh đều là những người có học hành, chữ nghĩa. Chính ông nội đã dạy anh:“Làm người phải học. Học để làm người”. Bố của anh, trước khi thoát li hoạt động cách mạng cũng đã là thầy giáo làng. Với tư chất thông minh, cần cù chăm chỉ và tháo vát, vừa học vừa phải lao động phụ giúp mẹ nên anh rất thành thạo những công việc ở nhà quê. Những năm tháng học cấp I, cấp II ở trường làng, lên cấp III đi trọ học ở huyên Vĩnh Lộc, gian khổ đấy, khó khăn đấy, nhưng anh rất lạc quan yêu đời.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, tác giả cuốn sách "Đi tìm một vì sao" phát biểu trong buổi ra mắt cuốn sách tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, tác giả cuốn sách "Đi tìm một vì sao" phát biểu trong buổi ra mắt cuốn sách tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Vào Đại học (Khoa Sử- Đại học Tổng hợp Hà Nội) nhưng ở nơi sơ tán, sinh viên phải tham gia lao động, đào hầm trú ẩn tránh bom, vào rừng hái củi, đốn cây, chặt gỗ đem về làm lán trại, hội trường, lớp học; tham gia “lao động xã hội chủ nghĩa”, ăn “bánh mỳ nắp hầm”, “canh rau muống toàn quốc”. “Sinh viên thời đại nào chẳng là tầng lớp nghèo rớt mồng tơi trong xã hội”, nhưng với anh đó là những kỷ niệm vô cùng quý giá vì: “Chính trong những năm tháng ấy chúng tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết tình thương yêu của con người, tình thầy trò, bầu bạn luôn dành cho nhau”.

Mới học hết năm thứ ba Đại học, anh đã xung phong tình nguyện đi chiến trường B với tư cách là: Cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Tác giả đã dành tới 248 trang để nói về quãng thời gian 4 năm ( từ 15-4-1971 đến 21-9-1975). Chặng đường hành quân hàng ngàn cây số trên đường Trường Sơn, rồi những tháng năm về miền Đông Nam Bộ (Bù Đốp, Lộc Ninh), qua Đồng Tháp Mười, hoạt động ở vùng ven (xã Hữu Đạo Nam lộ 4, Châu Thành, Mỹ Tho), về Tây Ninh ... thực sự là “Thép đã tôi trong lửa đỏ” đối với anh.

“Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”

“Những ai đã từng đeo ba lô “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đi bộ bằng chính đôi chân của mình. Vượt qua bom đạn, thiếu ăn, đèo cao, vực sâu, sốt rét chứ không phải vượt Trường Sơn qua thơ ca hay phim ảnh thì đều thấu hiểu những cam go, gian khổ ở Trường Sơn lớn biết nhường nào. Vượt Trường Sơn, anh đã đi, đi bằng ý chí chứ không phải bước bằng chân, “Thứ gì người khác ăn được thì mình cũng phải cố mà ăn”, “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” để đến đích cuối cùng; để rồi mười năm, hai, ba mươi năm sau chiến tranh dù đã kết thúc, nhiều đêm vẫn ngủ mơ về Trường Sơn, mơ về chiến trường và giấc mơ nào cũng gắn liền với gian khổ, hy sinh, ác liệt đến kinh người.

Tác giả Phạm Quang Nghị những ngày ở chiến trường

Tác giả Phạm Quang Nghị những ngày ở chiến trường

Mùa hè năm 1972 là “ mùa hè đỏ lửa” ở ba mặt trận: Quảng Trị, Kon Tum, Bình Long-An Lộc. Anh và đồng đội đã phải chịu đựng những trận mưa bom khốc liệt ở Lộc Ninh, An Lộc, chứng kiến cảnh người chết, người bị thương la liệt, tiếng khóc, tiếng gọi nhau thảm thiết. Anh đã bám trụ ở những địa bàn vùng ven cho tới ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành được toàn thắng. Chiến tranh. Tình yêu. Bão giông. Chia ly. Hoài niệm. Hồn nhiên. Lạc quan. Căng tràn sức sống. Chiến tranh khiến con người anh trở nên dạn dĩ, can đảm, tháo vát hẳn lên. Và thép đã được tôi như thế đấy!

Sau này, nhìn lại quãng thời gian đã qua, anh tâm sự: “Chúng tôi đã được sống những ngày tháng đẹp. Đẹp trong tâm hồn, trong tình người và đẹp trong niềm cảm hứng hết sức hào hùng của thời chống Mỹ”. “Nhưng có một thứ không ai muốn tiếc, muốn níu giữ là chiến tranh! Hãy để nó qua đi và không bao giờ trở lại…"

Ngày 11-5-1975, từ chiến khu vào thành phố Sài Gòn, anh được sống trong những ngày “chưa bao giờ đẹp bằng hôm nay, chưa bao giờ chúng con vui bằng hôm nay”, sau đó anh được điều động ra miền Bắc. Từ 9-1975 đến khi nghỉ hưu anh lần lượt làm việc ở Ban Tuyên huấn, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Xuyên suốt cuốn sách, xuyên suốt cuộc đời anh đó là tình yêu quê hương, yêu gia đình, tình yêu thương đồng đội - đồng chí- nhân dân, yêu thương con người và trên hết đó là tình yêu đất nước. Chính tình yêu đó đã tạo nên sức mạnh cho anh.

Anh tâm sự :“Tôi yêu con sông quê không thua kém bất cứ ai đã từng yêu dòng sông bến nước.... Con sông nuôi dưỡng tuổi thơ tôi không chỉ bằng ca dao tục ngữ, bằng điệu hò “khoan ới dô khoan” mà còn bằng sự mát rượi của con sông chảy suốt tháng năm xuôi ra biển cả... “Chảy đi sông ơi...” Lời bài hát thiết tha biết nhường nào!” . Con sông đã góp phần làm nên tính cách, tâm hồn, khí chất con người xứ Thanh và “Con sông thì miệt mài chảy ra nơi biển cả. Còn chúng tôi mỗi ngày một lớn khôn”.

“Làng tôi” đối với anh là hai tiếng thân thương, thiêng liêng, gắn bó diệu kỳ : “Làng tôi, đó là nơi tổ tiên các cụ, kỵ, ông bà, cha mẹ của tôi, đời này qua đời khác, cùng với bà con trong làng gắn bó bằng mồ hôi của sự cần cù, siêng năng lao động, no đói, tắt lửa tối đèn có nhau, cùng xây dựng nên làng... Người làng tôi từ ngàn xưa đã quen một nắng hai sương, gắn bó với những cánh đồng màu mỡ ven sông. Không ai có thể kể hết những tháng năm dầm mưa dãi nắng; cũng không ai có thể đếm được có bao nhiêu là mùa gặt hái, gieo trồng; biết bao là thóc gạo, ngô khoai nuôi dưỡng con người làng tôi từ các thế hệ ông cha, cho tới lớp cháu con hôm nay”.

Toàn cảnh buổi ra mắt sách vào tháng 4-2022

Toàn cảnh buổi ra mắt sách vào tháng 4-2022

Anh rất tự hào về quê hương: “Cũng đồng đất như ai, nhưng người làng tôi chẳng những thạo gieo trồng cây lúa mà còn biết gieo trồng đủ loại cây màu; biết chèo chống lúc vui, lúc giận của thiên nhiên trời đất”. Anh mãi mãi biết ơn làng quê bởi: "Cái hương vị cua đồng ngọt ngào của đồng quê đã nuôi tôi lớn lên” .

Từ thuở ấu thơ, anh đã được theo mẹ đi hết cánh đồng này đến đồng khác “Trên đầu hầu như lúc nào cũng là bầu trời cao, bát ngát, mênh mông”. Anh được mẹ đặt trong chiếc thúng quảy gánh ra đồng, ngồi trên bờ ruộng chơi đùa với lũ kiến. Lớn lên một chút anh đã đi chăn bò, cắt cỏ, nhổ mạ, gánh phân, cày, bừa, gặt hái, biết cả muối cà muối dưa, ... thành thạo công việc của nhà nông như một nông dân thực thụ.

Trong những người thân của gia đình, anh dành tình cảm thật đặc biệt cho mẹ. Anh đã kể: “Người mẹ suốt một đời thầm lặng hy sinh. Sức lực của mẹ dường như mong manh và yếu ớt, nhưng công lao và nghị lực của mẹ thì vô cùng lớn lao, không sao đo đếm được”.

Trưởng thành từ những thử thách

Đọc “Đi tìm một vì sao” ta bắt gặp một con người được rèn luyện, thử thách lớn lên từ những năm tháng nghèo khó, gian khổ và ác liệt của chiến tranh cho đến những khó khăn thiếu thốn trong những buổi ban đầu mới hòa bình lập lại. Anh luôn luôn là một cán bộ nhiệt huyết, đầy tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên hết, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Làm được như vậy vì anh được đồng bào, đồng chí, bạn bè, người thân ủng hộ, đặc biệt luôn cảm nhận có được một ngôi sao dẫn đường- ấy là lý tưởng sống, niềm tin yêu vào sự nghiệp vinh quang của Đảng.

Sách "Đi tìm một vì sao" ra mắt vào tháng 4-2022 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Sách "Đi tìm một vì sao" ra mắt vào tháng 4-2022 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Những năm tháng làm việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương, sau này là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, điều may mắn cho anh là được tiếp xúc và trực tiếp làm việc (nói cho đúng hơn là giúp việc) với nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhân cách lớn. Chính anh đã lớn lên nhờ học tập ở các vị lãnh đạo đó. Nhà thơ Tố Hữu đã viết : “Ta bên Người, người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...”, còn với anh: “Trong những năm tháng làm việc ở Ban, học phí mà tôi phải trả cho sự học hỏi, trưởng thành của mình chính là sự rèn luyện, chịu đựng gian khổ, vất vả trong công việc hàng ngày. Nhưng những điều tôi đã học thì khó có trường lớp nào trang bị được” .

Gần bốn năm làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, anh đã phải thốt lên: “Họp, lại họp.... Nguyên nhân vì sao mất đoàn kết?...Uống nước trà đắng hết cả môi, cả lưỡi, cả họng... Đắng từ trong tim, trong phổi đắng ra”. Cuộc “chiến đấu” diễn ra hàng ngày không phải với địch, mà là “quân ta đánh quân mình”. Thế mới khó, mới đau! Nhưng với quyết tâm cao và từ trong sâu thẳm, kể cả lúc khó khăn đến tột cùng, anh luôn “có niềm tin ở đâu cũng có người tốt”, anh đã cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Đảng bộ Hà Nam vượt qua sóng gió.

Làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, anh đã chọn việc “chấn chỉnh các hoạt động vi phạm pháp luật tại Khu di tích lịch sử và danh thắng chùa Hương” làm khâu đột phá. Anh đã tạo điều kiện cho một số ca sĩ hải ngoại người Việt được trở về nước biểu diễn. Giải quyết vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Nhà Vương ở huyện Đồng Văn, Hà Giang, giải quyết vấn đề Di tích 18 Hoàng Diệu, đặc biệt là chỉ đạo việc xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên.

Mười năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội là :“Mười năm ấy có biết bao nhiêu là nước, là phù sa của sông Hồng đã bồi đắp, làm nên màu xanh tốt tươi của đôi bờ trước khi xuôi dòng chảy ra biển cả, hòa vào lòng đại dương bao la”. Sống và làm việc ở Thủ đô, anh rất hiểu: “Hà Nội không vội được đâu !”, “Muốn nhanh thì phải từ từ”, dường như đó là sản phẩm có phần tất yếu gắn liền với đặc điểm, bối cảnh chính trị xã hội của Thủ đô. Điều vinh dự đối với anh là : mười năm làm việc ở Thủ đô vào thời điểm vô cùng đặc biệt, cùng với việc mở rộng quy mô địa giới hành chính thành phố Hà Nội là sự kiện vô cùng trọng đại: Thăng Long- Hà Nội bước qua thời kỳ lịch sử 1.000 năm tuổi. Anh đã cùng với Đảng bộ Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Mặc dù "Đi tìm một vì sao” là tự truyện nhưng không hề khô khan, mà đậm chất văn chương. Tất cả những từ, những chữ đều mang một giọng kể chân thực, hấp dẫn, đẹp và có sức quyến rũ mạnh mẽ với người đọc.