Di sản kiến trúc hiện đại: Không thể tồn tại vì "lạc mốt"?

ANTĐ - Nhiều di sản kiến trúc hiện đại có giá trị đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy vì bị cho là lạc hậu, không bắt kịp sự phát triển của xã hội theo thời gian…

Nhà in Ideo xưa và Trung tâm văn hóa Pháp nay

Chưa được coi là di sản

Có thể hiểu thuật ngữ “kiến trúc hiện đại” là trào lưu những công trình ra đời những năm mở đầu của thế kỷ 20, với những nguyên lý thiết kế bắt kịp với sự tiến bộ của công nghệ và quá trình hiện đại hóa xã hội. Trên thế giới, vào cuối thập kỷ 1980, nhiều kiệt tác của trào lưu hiện đại đã bị phá hủy và thay đổi tới mức không thể nhận ra. Nguyên nhân là do nhiều công trình không được coi là một phần của di sản. 

Theo KTS Trương Ngọc Lân, giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội, có một thực tế là ở Việt Nam có những công trình có giá trị trong giới làm nghề, được quần chúng nhìn nhận nhưng chưa được coi là di sản, mặc dù chúng rất được yêu mến. Có thể kể trong số đó là Cung Thiếu nhi Hà Nội. Trong quá khứ đã từng có những công trình đã trở thành những biểu tượng kiến trúc của đô thị.

Chẳng hạn trước năm 1945, khi phong cách Art Deco và Streamline (nhấn mạnh vào các đường thẳng, đường cong trong thiết kế) đặt dấu ấn nổi bật ở các công trình, biệt thự, thì có thể kể ra một số công trình điển hình ở Hà Nội là Ngân hàng Đông Dương (1932) nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hay nhà in Ideo (khoảng năm 1920) nay là Trung tâm Văn hóa Pháp. Hay trong thời kỳ hậu chiến 1975-1986, những công trình như Bảo tàng Hồ Chí Minh (1985-1990) hay khách sạn Thắng Lợi (1975) vẫn còn lưu giữ nét đẹp không thể phai mờ, góp phần tạo dựng bộ mặt kiến trúc Thủ đô Hà Nội. 

Theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, có một đặc điểm chung trong các công trình này là sự hòa trộn giữa những nguyên lý phổ quát của kiến trúc hiện đại với những đặc trưng của địa phương. Điều này được thể hiện thông qua những chi tiết văn hóa, việc kiến trúc này thích ứng thế nào với môi trường khí hậu và chính tư duy của người thiết kế. 

Các chung cư cũ ở Hà Nội đã biến đổi rất nhiều so với lúc ra đời

Tuổi thọ công trình bị rút ngắn

Cũng theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, tình trạng chung trên thế giới, nhất là khi sang thế kỷ 21 là chủ nghĩa kiến trúc hiện đại dần bị cho là “lạc mốt”. Các công trình hiện đại gặp phải sự phản đối ngay từ chính các nhà chuyên môn cũng như xã hội.

Bởi họ cho rằng kiến trúc này mang tính khô cứng, ít tính địa phương, ít cảm xúc về nhân văn, ít tính hồn nhiên, dân dã mà quá khúc chiết, trừu tượng. Đã có một làn sóng rất mạnh mẽ bài trừ, phê phán chủ nghĩa này. Bởi vậy, cho đến thế kỷ 21, trên thế giới có rất nhiều công trình kiến trúc hiện đại bị phá hủy, hoặc bị cải tạo làm cho khác đi. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài trong số đó. “Các chung cư cũ ở Hà Nội đã bị biến đổi rất nhiều so với thời điểm lúc nó ra đời. Bởi vì xã hội biến đổi, nhu cầu biến đổi. Không phải kiến trúc đó có lỗi, mà nó không còn phù hợp với thời đại” - bà Phạm Thúy Loan cho biết. 

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính thì cho rằng, “Không thể có công trình tồn tại vài trăm năm mà bất biến như ở phương Tây. Bởi tuổi đời của các công trình kiến trúc giờ đây đã ngắn hơn rất nhiều. Sự lạc hậu hóa, xu thế biến đổi quá nhanh, quá lớn khiến cho ngay cả những công trình tưởng là xây dựng cho muôn thuở cũng chỉ có thể tồn tại dăm chục năm”.

Tuy vậy, cũng theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, việc nhìn nhận một công trình có phải di tích kiến trúc hay không phải được xét trên nhiều khía cạnh, như nó có phải là những công trình đại diện mang tính tiêu biểu cho thời đại, cho dân tộc, cho nền văn hóa, cho một địa phương hoặc một kỹ thuật, công nghệ nào không… Trên thực tế, sự nhìn nhận này ở chúng ta đang khá hời hợt và chủ quan khi chúng ta chỉ chú ý đến giá trị sử dụng hơn là những yếu tố khác của công trình. 

Nhận định về sự cần thiết phải hệ thống hóa các dữ liệu nhằm bảo tồn quỹ di sản kiến trúc, PGS.TS.KTS Trần Thúy Loan nhận định, các quốc gia trên thế giới đang rất nỗ lực trong việc xây dựng kho dữ liệu về kiến trúc hiện đại. Các tổ chức chuyên ngành như ICOMOS, MAAN hay DOCOMOMO được lập ra nhằm nghiên cứu, thu thập dữ liệu, làm sống lại những kiến trúc hiện đại và đương đại đang có nguy cơ mất đi. Từ đó làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ bảo vệ các công trình giá trị đang có nguy cơ bị phá hủy, hủy hoại. Đáng tiếc hiện tại, Việt Nam hoặc nằm ngoài, hoặc khá xa lạ với những dự án như thế này.