Đề xuất ngày quốc lễ kỷ niệm sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt

ANTD.VN -Nằm trong chuỗi sự kiện quan trọng kỷ niệm 1050 năm thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018), hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam” vừa được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại TP Ninh Bình.

Đề xuất ngày quốc lễ kỷ niệm sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt ảnh 1Khu di tích Cố đô Hoa Lư

Khẳng định vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử đất nước, bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, Nhà nước Đại Cồ Việt đã phác thảo đầy đủ mô hình nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở nước ta, xây dựng nền móng vững chắc để các triều đại phong kiến Việt Nam sau này bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chống lại các cuộc xâm lăng của ngoại bang, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, Nhà nước Đại Cồ Việt đã đạt được những thành tựu rực rỡ về mọi mặt: kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, luật pháp, mà đỉnh cao là ở các triều đại Lý, Trần và được kế thừa, tiếp nối ở các triều đại Lê, Nguyễn sau này.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, đập tan giấc mộng xâm lược trở lại của nhà Nam Hán, Ngô Quyền đã từ bỏ chức Tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc, tiến lên xưng Vương, tự khẳng định là một vương quốc độc lập. Đến năm 968, sau 30 năm độc lập, vua Đinh Tiền Hoàng tiến lên một bước nữa, tự xưng Hoàng Đế, định quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu là Thái Bình. Đó là những việc làm có ý nghĩa nêu cao chủ quyền quốc gia, biểu thị niềm tự tôn dân tộc.

Đề xuất ngày quốc lễ kỷ niệm sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt ảnh 2

Nhà nước Đại Cồ Việt đã đặt nhiều dấu mốc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao

Được biết, Ban tổ chức hội thảo “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam” đã nhận được 57 báo cáo, tham luận khoa học có giá trị khẳng định trong 86 năm tồn tại, Nhà nước Đại Cồ Việt đã gặt hái được những thành tựu quan trọng, đặt nhiều dấu mốc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao.

Các tham luận đã làm sáng rõ: sự kiện đánh dẹp, thu phục 12 sứ quân, chấm dứt thời kỳ xung đột, cát cứ; việc xưng danh Đại Thắng Minh Hoàng đế của Đinh Tiên Hoàng là sự tiếp nối quốc thống của các vua Hùng dựng nước và khẳng định vị thế độc lập tự chủ của Nhà nước Đại Cồ Việt - đây là bước ngoặt mở nền chính thống cho thời đại phong kiến của dân tộc, là sự khẳng định ý chí mạnh mẽ và khát vọng độc lập, tự chủ, hòa bình, thống nhất của nhân dân ta sau một nghìn năm lệ thuộc vào phong kiến Phương Bắc.

Nhà nước Đại Cồ Việt đã thực hiện xây dựng quân đội và nghệ thuật quân sự của Nhà nước trong bối cảnh chống ngoại xâm; củng cố, tăng cường thiết chế bộ máy nhà nước quân chủ, quan tâm xây dựng pháp luật và đề cao pháp luật đã khẳng định một bước tiến quan trọng trong trị nước, mở ra những trang sử vẻ vang trong hành trình dựng nước và giữ nước.

Các hoạt động ngoại giao được Nhà nước Đại Cồ Việt thực hiện mềm dẻo nhưng cương quyết, với các chính sách thúc đẩy xây dựng phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp...

Cùng với đó, các nhà khoa học Việt Nam còn làm rõ, Nhà nước Đại Cồ Việt cũng để lại những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, đặc sắc về xây dựng văn hóa, phong tục tập quán... Nhiều di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, hoạt động tưởng nhớ và tôn vinh thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt đã được duy trì và tồn tại hàng nghìn năm qua. Các di tích thờ Đinh Tiên Hoàng, các nhân vật liên quan đến nhà nước Đại Cồ Việt được phân bố rộng khắp, những lễ hội truyền thống cũng được hình thành, phát triển và duy trì qua các thế hệ để tưởng nhớ, tôn vinh các nhân vật và các sự kiện.

Do đó, nhiều nhà khoa học có ý kiến đề xuất nên nâng tầm việc kỷ niệm sự kiện này lên tầm quốc gia. GS Vũ Minh Giang cho rằng, sự kiện Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc và việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt cũng xứng đáng được lựa chọn là ngày quốc lễ.

Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời năm 968, định đô ở Hoa Lư, Ninh Bình. Tồn tại 86 năm với triều đại: Nhà Đinh (968-980), nhà Tiền Lê (980-1009) và hai triều vua thời Lý: Lý Thái Tổ (1009-1028) và Lý Thái Tông (1028-1054), Nhà nước Đại Cồ Việt là quốc gia thống nhất, khẳng định vị thế độc lập tự chủ của một quốc gia Việt Nam với Quốc hiệu thực sự và cương giới rõ ràng; có tổ chức quân đội riêng quy củ và vững mạnh; là một nhà nước quân chủ đầu tiên đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc.