Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ V-năm 2016:

Đề tài bị vắt kiệt bởi các cuộc thi

ANTĐ - Ngay khi kết quả cuộc thi Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ V-năm 2016 được công bố, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự không phục với các bức ảnh được chọn.

Đề tài bị vắt kiệt bởi các cuộc thi	 ảnh 1Tác phẩm “Vì thành phố xanh sạch đẹp” của Phạm Hoài Nam - Huy chương Bạc

Ảnh đoạt giải để làm... tư liệu

Với chủ đề “Ấn tượng Hà Nội”, Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ V đặt trọng tâm cho các bức ảnh để lại ấn tượng thị giác mạnh về Thủ đô nghìn năm văn hiến, vẻ đẹp thanh lịch của  người Hà Nội, sự phát triển kinh tế-xã hội vượt bậc. Tuy nhiên, ngay cả các bức ảnh đoạt giải cũng đã không đi đúng định hướng, thậm chí nhàm chán về mặt hình ảnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, các bức ảnh đoạt giải nên để làm… tư liệu, còn trao giải thì thật là… thảm họa. Bởi lẽ, các tác phẩm đã lộ rõ cách dàn dựng cứng nhắc, khiên cưỡng về mặt hình ảnh và lặp lại các khuôn hình từng thành công trước đó. Bức ảnh “Vì thành phố xanh sạch đẹp” của Phạm Hoài Nam đoạt HCB, “Đợi” của Nguyễn Đức Kiên, “Nghệ sỹ nhiếp ảnh Bắc Trung Nam cùng nhau lưu giữ nét đẹp quê hương” của Nguyễn Thị Phương Dung không có nét mới cả về nội dung và hình thức nhưng vẫn được BGK ưu tiên trao giải.  

Đề tài bị vắt kiệt bởi các cuộc thi	 ảnh 2Tác phẩm “Đợi” của Nguyễn Đức Kiên - Giải Khuyến khích

Hà Nội đang từng ngày chuyển mình, còn các nhà nhiếp ảnh thì vẫn đang ru ngủ chính mình bằng các khuôn hình xưa cũ, mấy chục năm vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí, có khi còn thụt lùi. Chính vì thế, Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ V trở thành nơi tề tựu đông đủ các bức ảnh vừa “hồn nhiên” vừa “vô tư” của tác giả và “bản lĩnh” của ban giám khảo.

Trước bức xúc của những người quan tâm tới cuộc thi, mọi con mắt đều đổ dồn về phía Ban giám khảo, những “người cầm cân nảy mực” để tìm một câu trả lời thích đáng. Tuy nhiên, NSNA Vũ Huyến lại không tán thành cách làm này. Ông cho biết: “Không thể đổ lỗi cho BGK.  Điều quan trọng là hướng chụp của các tác giả hiện nay đang có vấn đề. Các tay máy ngại đi vào góc cạnh của cuộc sống. Họ vẫn thích lối chụp bày đặt, tập thể mà tôi vẫn nói vui là “nhiếp ảnh tự sướng” nhiều hơn”.

Không có bứt phá, vẫn có giải

Ông Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội cho biết thêm: “1.875 bức ảnh gửi đến dự thi rất hiếm  ảnh có sự bứt phá, một cách nhìn mới về Hà Nội. Các thành viên ban giám khảo đã cố gắng “So bó đũa, chọn cột cờ” chọn tác phẩm để trao giải. Bởi đây là cuộc thi mang tính phong trào nên số lượng HCV, HCB và các giải thưởng khác đã được ấn định ngay từ ban đầu. Có chăng, vấn đề đặt ra từ cuộc thi này chính là việc đi tìm cái tôi của người cầm máy. Cuộc thi này xuất hiện hàng chục bức ảnh có cùng một môtíp, đã gây khó khăn cho các thành viên BGK trong tuyển lựa tác phẩm”.

Đề tài bị vắt kiệt bởi các cuộc thi	 ảnh 3Tác phẩm “Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Bắc Trung Nam cùng nhau lưu giữ nét đẹp quê hương” của Nguyễn Thị Phương Dung - Giải Khuyến khích

Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ V - năm 2016 không phải là cuộc thi đầu tiên hứng chịu búa rìu dư luận. Đây là tình trạng chung của các cuộc thi ảnh phong trào trong vài năm trở lại đây. Người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh không phục, không cảm thấy hài lòng với giải thưởng được trao âu cũng dễ hiểu, bởi chất lượng ảnh quá thấp, lặp lại đến nhàm chán. Đổ lỗi cho giám khảo xét cho cùng cũng chỉ để giải tỏa bức xúc tạm thời, còn về lâu về dài, các nhà nhiếp ảnh mới chính là người phá vỡ tình trạng không mấy khả dĩ của nhiếp ảnh Việt Nam. 

Hơn nữa, với các cuộc thi mang tính phong trào như Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ V-năm 2016, việc giãn khoảng cách là cần thiết. Mỗi năm tổ chức một lần sẽ vắt kiệt đề tài của cuộc thi, làm cho cả người dự thi và BGK khó tìm kiếm các hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, nếu làm như vậy lại động chạm đến quyền lợi của các tay máy. Bởi cuộc thi sẽ mang lại điểm cộng cho các nhà nhiếp ảnh để kết nạp hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội và Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Điều này cho thấy, bệnh thành tích, chạy theo phong trào để được phong tước hiệu “Nghệ sỹ nhiếp ảnh” đang ăn sâu vào cách nghĩ của các nhà nhiếp ảnh và biến sân chơi dành riêng cho các nghệ sỹ Hà Nội trở nên ít thực chất.