Đề nghị đình chỉ doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

ANTĐ - Chiều 31-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là chế tài đối với những doanh nghiệp hoạt động sản xuất xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Đaị biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nhận định rằng, một thực tế là những tác động xấu có thể ảnh hưởng đến nguồn nước mà doanh nghiệp gây ra không thể lộ ngay, mà diễn ra từ từ. Do đó để quy kết bồi thường doanh nghiệp ngay thì khó trong khi cuối cùng khắc phục hậu quả ngân sách Nhà nước lại phải chịu.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải còn cho rằng, dự thảo chưa thấy đề cập đến vấn đề kinh doanh nước sạch, đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ngoài ra cũng nên đưa vấn đề giá nước sinh hoạt vào.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, luật phải quy định rõ hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng thì ngay lập tức phải "đình chỉ" hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho đến khi có giải pháp khắc phục hậu quả thì mới cho hoạt động trở lại. Việc quy định "đóng cửa" không đủ răn khi doanh nghiệp vẫn có thể tìm cách hoạt động "bên trong" sau cánh cửa.

Cùng ý kiến trên, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) kiến nghị, cần lập bản đồ phân vùng, cảnh báo ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, đề nghị phân cấp quy hoạch tài nguyên nước đến cấp huyện, cấp xã để đồng bộ vì đôi khi trên một đoạn sông, địa phương này thì quy định là nước sinh hoạt, địa phương khác thì quy định là để xả thải. Đặc biệt cần bổ sung trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, bổ sung quy định về kiểm tra luật tài nguyên nước, hiện nay thiếu quy định về lĩnh vực này.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cần đề nghị bổ sung trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước là của các cơ quan, tổ chức và cá nhân chứ không chỉ là của các cơ quan quản lý. Về vấn đề lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và các bên liên quan trong việc xả thải và tài nguyên nước, bà Khánh cho rằng, phải lấy ý kiến của các nhà khoa học cùng với các bên có liên quan và cộng đồng dân cư trên địa bàn xả thải. Ngoài ra phải đưa vào chương trình giáo dục phòng chống đuối nước cho học sinh.

Theo một số đại biểu, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải bị đình chỉ

Ngoài nội dung trên, nội dung về  phạm vi điều chỉnh đối với nước biển cũng được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, quy định của luật phải gắn với việc thể hiện chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển, vì thế nên sửa cụm từ "trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam" thành thuộc "thuộc lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam". Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị đổi "trên lãnh thổ", bằng "trong phạm vi lãnh thổ" nước CHXHCN Việt Nam.

Trước đó, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu khác cũng đề nghị mở rộng đối với cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; cũng có ý kiến đề nghị chỉ điều chỉnh đối với nước biển ven bờ là 3 hải lý. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho hay, vùng nước thuộc lãnh hải của đất liền, đảo, quần đảo là thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải được quản lý toàn diện, đầy đủ, trong đó có tài nguyên nước. Còn vùng nước ngoài lãnh hải (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển nên được điều chỉnh cơ bản theo luật pháp quốc tế.

Tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy, pháp luật về tài nguyên nước của Cộng đồng châu Âu và các quốc gia như Philippines, Nam Phi... đều quy định chung về nước biển, không quy định cụ thể phạm vi nước biển ven bờ. Do đó, Thường vụ QH đã cho giữ quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật trên cơ sở kế thừa quy định của luật tài nguyên nước hiện hành, điều chỉnh nước biển trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.