Để Chống tham nhũng hiệu quả: Cơ quan chống tham nhũng phải đủ mạnh

ANTĐ - Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ vào giờ nghỉ giữa buổi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chống tham nhũng muốn đạt hiệu quả thì cơ quan phòng, chống tham nhũng phải đủ mạnh.

- PV: Theo ông, điểm then chốt trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này là gì?

- ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng: Có 2 vấn đề mà tôi rất quan tâm, đó là: kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập của cán bộ có địa vị và mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Quốc gia (BCĐ) cũng như cơ quan phòng chống tham nhũng các cấp.

Về kê khai tài sản của người có chức quyền, đây là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng. Thực tế tình trạng tham nhũng xảy ra khá phức tạp, ở nhiều cấp nên tôi cho rằng, cần mở rộng đối tượng kê khai, kiểm soát thu nhập, không chỉ tập trung riêng vào người có chức vụ cấp cao. Cũng cần có cách làm, để cuối cùng xã hội nhìn nhận việc kê khai tài sản đối với một cá nhân là điều bình thường, đương nhiên phải làm theo quy định của pháp luật, chứ không phải cứ kê khai tài sản là cá nhân đó “có chuyện”. 

Ngoài ra, phải có cơ chế giám sát đối với việc kê khai, và quy định rõ vai trò của từng tổ chức: các cơ quan của Quốc hội, HĐND, MTTQ và nhiều tổ chức khác... trong việc này. Quan trọng nhất là tăng cường sự giám sát của nhân dân, của các cơ quan ngôn luận thông qua việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng.

- Muốn vậy thì phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo chặt chẽ hơn?

- Đúng vậy, điều này đã được quy định trong luật. Hiện nay đa phần người tố cáo tham nhũng vẫn có tâm lý e ngại, lo sợ sau khi tố cáo sẽ bị trù dập và thực sự đã có nhiều trường hợp bị như vậy. Do đó, tôi cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng nên nghiên cứu sửa đổi nội dung này cho chặt chẽ hơn, trong đó phải hết sức chú ý đến việc xử lý nghiêm những người có biểu hiện trù dập hoặc gây khó khăn cho người tố cáo trong đời sống cũng như công tác.

- Về mô hình BCĐ, theo ông, cần mô hình hoạt động nào để đạt được hiệu quả cao nhất?

- Tôi tán thành với phương án đưa ra trong dự thảo Luật: BCĐ phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Tôi cũng tán thành việc không nên quy định hoạt động của BCĐ trong Luật Phòng, chống tham nhũng mà BCĐ này sẽ hoạt động, điều chỉnh theo các nghị quyết, kết luận của Đảng.

Tuy vậy, cũng giống như ý kiến của nhiều ĐBQH, tôi cho rằng ngoài BCĐ thì phải có một cơ quan trực thuộc Quốc hội đủ mạnh, đảm nhận nhiệm vụ tổng chỉ huy trực tiếp công tác phòng chống tham nhũng. Trong mối liên hệ thì cơ quan này chịu sự chỉ đạo của BCĐ, song nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy sẽ do Quốc hội quy định. Đồng thời, cơ quan này cũng phải đảm bảo nguồn lực để có thể hoạt động độc lập. Đây sẽ là cơ quan đặc biệt, có sức mạnh và tinh nhuệ, có quyền điều tra bất cứ vụ việc nào liên quan đến tham nhũng.

- Xin cảm ơn ông!