Để áo dài nam không thua kém áo dài nữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trong khi áo dài nữ đang mặc nhiên được công nhận là quốc phục của Việt Nam, thì áo dài nam lại đang vấp phải những hoài nghi và nhận thức chưa đúng.

Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Câu lạc bộ Đình Làng Việt cùng Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức buổi hội thảo "Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay". Việc đưa áo dài trở thành quốc phục và lan tỏa tình yêu đối với áo dài trong cộng đồng đã được đặt ra dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế và nghệ nhân đã bàn thảo về tiềm năng sử dụng áo dài truyền thống trong xã hội; ứng dụng may, mặc trong đời sống; những vấn đề cải tiến áo dài; giáo dục về áo dài, xây dựng không gian bảo tồn áo dài ở Hà Nội và các địa phương.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt cho rằng, việc mặc áo dài đã và đang được hưởng ứng rộng rãi trên khắp cả nước, không chỉ trong các dịp lễ, tết, mà còn trong cuộc sống thường ngày.

Tiêu biểu có thể kể đến phong trào mặc áo dài nơi công sở do Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế phát động hồi tháng 9 vừa qua, hay mới đây là đề xuất của nghệ sĩ Kim Xuân về việc nam sinh mặc áo dài đến trường mỗi sáng thứ Hai hàng tuần.

Tuy nhiên với áo dài nam hiện nay, các mẫu mã chủ yếu mang phong cách Ấn Độ hoặc Trung Quốc, tạo nên sự sai lệch với di sản văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó nhiều người vẫn đặt nghi vấn về tính tiện lợi, thoải mái của trang phục áo dài đối với hoạt động thường ngày, trong tương quan so sánh với các kiểu quần áo phương Tây phổ biến.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình khẳng định, từ xa xưa, áo dài vẫn được người Việt mặc khi lao động và sinh hoạt, nên không thể nói là vướng víu, bất tiện hơn Âu phục. Đồng quan điểm này, họa sĩ, nhà thiết kế thời trang Thu Trần một lần nữa khẳng định, áo dài truyền thống giúp người mặc tự tin hơn vì rộng rãi, thoáng mát, che được khuyết điểm cơ thể

Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã chỉ ra những khó khăn để đưa áo dài đặc biệt là áo dài nam phổ biến trong cộng đồng và những vướng mắc để áo dài trở thành quốc phục. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc tự thân áo dài nam không có đời sống riêng, nên rất khó để nó được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, nghề dệt lụa truyền thống dù có từ cả ngàn năm nay nhưng cũng đang dần mai một do không thể cạnh tranh với sản xuất công nghiệp.

Các thành viên Câu lạc bộ Đình làng Việt trong bộ trang phục áo dài nam

Các thành viên Câu lạc bộ Đình làng Việt trong bộ trang phục áo dài nam

Đồng thời, do nhận thức chưa đầy đủ nên ngay cả người yêu văn hoá truyền thống cũng mặc chưa đúng, chưa đẹp. Bên cạnh đó, không ít người "cách tân" áo dài một cách không phù hợp, có cả những người mặc áo dài lai căng trong những sự kiện văn hoá, ngoại giao.

Đứng trước những khó khăn này, các đại biểu cho rằng, để áo dài xứng đáng với vị trí số 1 trong trang phục của người Việt, vai trò của nhà nước đóng vai trò quyết định với việc đề ra các chính sách khuyến khích và động viên các nghệ nhân hăng say với nghề, tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ mai sau nhiều bí quyết trong kỹ thuật dệt lụa, và cắt may truyền thống. Đồng thời thay đổi nhận thức của nhiều người về áo dài nam Việt Nam, để tiến tới việc may chuẩn, mặc chuẩn. Và xa hơn nữa là việc xây dựng hồ sơ công nhận áo dài là di sản phi vật thể của Việt Nam.

Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy người dân Việt Nam thuộc đủ các lĩnh vực, ngành nghề đều có sự quan tâm nhất định đến tà áo dài dân tộc.