ĐBQH: Quy định cơ quan quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ cần cân nhắc kỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quản lý về chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số chuyên dùng công cộng là 2 lĩnh vực riêng biệt có đặc thù khác nhau. Do vậy, khi quy định cơ quan quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Cho ý kiến về chữ ký số chuyên dùng công vụ, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) nêu rõ, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là dịch vụ công quan trọng đặc thù do đối tượng sử dụng dịch vụ là công chức, viên chức Nhà nước.

Lĩnh vực quản lý về chữ ký số chuyên dùng công vụ và quản lý về chữ ký số chuyên dùng công cộng là 2 lĩnh vực riêng biệt có đặc thù khác nhau. Do vậy, khi quy định đối với cơ quan quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, không nhất thiết cứng nhắc bắt buộc phải tách bạch về quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) phát biểu

Thực tiễn từ năm 2007 đến nay đã tồn tại 2 hệ thống chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng được Chính phủ giao cho 2 cơ quan quản lý. Trong đó, Bộ Quốc phòng quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Bộ TTTT quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công cộng.

Trong khi đó, chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân bảo lưu, đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn. Đối với chữ ký số chuyên dùng công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí.

Đại biểu Bảo Trân cho rằng, nếu như dự thảo quy định Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước cả 2 loại chữ ký số nêu trên khi có vấn đề mất an toàn xảy ra thì việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng. Đại biểu đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật.

Góp ý dự thảo luật về quy định tại Điều 25 về chữ ký điện tử, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) cho rằng, theo dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), hình thức của chữ ký điện tử chỉ bao gồm một trong ba loại sau: Chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng công vụ. Đại biểu cho rằng quy định này có phần chưa sát thực tiễn giao kết giao dịch trên môi trường điện tử.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) thảo luận

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) thảo luận

Trên thực tế có ba loại chữ ký điện tử được sử dụng phổ biến: chữ ký số chữ ký số (có giá trị pháp lý và độ an toàn cao nhất được tổ chức chứng thực chữ ký); chữ ký scan (đặc biệt thông dụng trong các hợp đồng liên quan đến giao dịch đa quốc gia có yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể); chữ ký hình ảnh (được sử dụng nhiều trong trường hợp trong hợp đồng có giá trị không lớn nhưng được ký nhiều lần và lặp đi lặp lại).

Đối chiếu với dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi lần này, đại biểu cho rằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh dường như không thể xếp vào bất kỳ loại chữ ký điện tử nào quy định tại Điều 25. Do đó, giá trị pháp lý cho hai loại chữ ký này có thể không được công nhận.

Tuy nhiên, hai loại chi phí này tương đối phổ biến và áp dụng nhiều trong thực tiễn. Do đó, đại biểu đề nghị nếu chữ ký điện tử đáp ứng đủ các điều kiện để đảm bảo chữ ký an toàn, giá trị pháp lý của các loại chữ ký điện tử, ngoài chữ ký số thì nên được công nhận.