Luật Căn cước ra đời sẽ gắn liền với Luật Giao dịch điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu đối với dự án Luật Căn cước, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án Luật thay đổi tên gọi thành Luật Căn cước vì nội dung thay đổi căn bản so với Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014, sửa đổi tất cả 39 điều, bổ sung 7 điều. Trong dự án Luật này, cách thức quản lý công dân thay đổi hoàn toàn, chuyển từ quản lý thủ công trước đây sang quản lý cả thủ công và điện tử.
Công an Hà Nội đến tận nhà cấp Căn cước công dân gắn chíp cho người già tại quận Hà Đông. Ảnh: LAM THANH

Công an Hà Nội đến tận nhà cấp Căn cước công dân gắn chíp cho người già tại quận Hà Đông. Ảnh: LAM THANH

“Luật Căn cước ra đời sẽ gắn liền với Luật Giao dịch điện tử. Nếu Luật này không được thông qua thì Luật Giao dịch điện tử rất khó thực hiện vì người dân phải có công cụ, có định danh, phương thức trên điện tử thì mới thực hiện được. Không phải là cơ quan của Chính phủ giao dịch với nhau là trở thành Chính phủ điện tử, quan trọng nhất là mọi người dân đều thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử. Đây cũng là bước phải thay đổi từ cách thức quản lý xã hội, giao dịch thông thường đến giao dịch điện tử, nếu không, sẽ kìm hãm sự tiến bộ”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Giải thích thêm về việc này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, căn cước không phải để xác định quyền công dân mà xác định là căn cước của người dân, tức là xác định được “anh là ai” để mọi người dân đều được bình đẳng trước pháp luật, có pháp nhân, địa vị pháp lý để giao dịch trong cuộc sống. “Tôi lấy ví dụ, một số người bị tước một số quyền công dân, phải vào tù nhưng vẫn có CCCD. Tức là họ vẫn có quyền giao dịch, quyền sở hữu đất đai, phương tiện giao thông”, đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, trên thực tế, nếu theo cách thức quản lý trên giấy, sẽ có 3 triệu người không có giao dịch gì vì họ là người tàn tật, ốm yếu, cả đời không ra khỏi thôn, bản nên không có nhu cầu làm các giấy tờ. “Chúng tôi đi làm, có những người nói rằng, chưa bao giờ được chụp ảnh, được có bất cứ giấy tờ gì. Khi các chú Công an đến chụp ảnh, họ rất mừng. Cách thức quản lý trước đây là ai cần phải đến cơ quan chức năng để làm, còn bây giờ đã thay đổi, trừ những người đã đến làm rồi, những người chưa làm sẽ được cơ quan chức năng tìm đến để quản lý, cấp giấy tờ cần thiết cho họ, theo đúng chủ trương của Đảng là không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Đồng chí Bộ trưởng cho biết, ngay trong thành phố cũng có nhiều người không có hộ khẩu, không có đăng ký tạm trú nhưng hàng ngày vẫn đi làm để kiếm sống, vẫn lấy vợ, chồng, sinh con. Con cái họ sinh ra cũng không có hộ khẩu, không có đăng ký khai sinh, lớn lên lại tiếp tục cuộc sống của bố mẹ. Con số này không phải là ít, có đến vài trăm người. Những người này quyền lợi của họ rất thấp, gần như không có quyền lợi gì, cũng không thực hiện được giao dịch gì.

“Mọi người dân sinh ra là phải có địa vị, phải có giấy tờ trong giao dịch xã hội. Nhiều nước trên thế giới, nếu người đi lạc, chết bất đắc kỳ tử có thể tìm được danh tính, thân nhân ngay vì có thông số để tra cứu, nhận dạng rất chính xác. Chính vì vậy, việc quản lý công dân còn là căn cứ để quản lý xã hội chứ không phải chỉ là giấy tờ đơn thuần. Chúng tôi phấn đấu đến ngày 30-7 này, còn 3 triệu người dân chưa được cấp căn cước thì sẽ cấp cho họ. Đây là việc vô cùng khó và vất vả. Bởi trước đây, mỗi ngày có thể làm thủ tục cấp hàng trăm CCCD cho người dân đến trụ sở. Nhưng số còn lại thì phải đến tận nhà, phải tìm tận nơi, trèo đèo, lội suối rất vất vả mới làm được”, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ.