ĐBQH đề nghị cần có chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ĐBQH Lê Thanh Hoàn nêu rõ, việc thu hồi đất và bồi thường tái định cư có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân, là nguyên nhân chính của khiếu kiện nên cần có những chính sách bền vững…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại hội nghị

Sáng nay, 30-8, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là dự án Luật lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Về nội dung cụ thể liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Thanh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ.

Cũng theo ông Thanh, trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn phát biểu góp ý

ĐBQH Lê Thanh Hoàn phát biểu góp ý

Góp ý tại hội nghị, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nêu rõ, việc thu hồi đất và bồi thường tái định cư là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Hàng năm tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.

Do vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc. Ông Hoàn góp ý, tại Điều 79 của dự thảo Luật này cần quy định cụ thể các trường hợp phải thực hiện thỏa thuận, đồng thời dự luật cần bổ sung thêm nguyên tắc đối với việc thu hồi đất bắt buộc.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) góp ý về vấn đề thu hồi đất đối với một số dự án bị tắc nghẽn. Ông cho rằng tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm mà không thực hiện thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Nếu còn lại một số hộ chưa di dời thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa. Các văn bản dưới Luật này cần có quy định cụ thể…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo luật phát biểu giải trình tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới, Bộ TN&MT cũng đang chuẩn bị dự thảo 3 nghị định và các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật.

Về một số nội dung cụ thể mà các ĐBQH góp ý, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, đối với các quy định về thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, dân tộc; về cơ chế thỏa thuận; về giá đất… Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện quy định này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Đất đai là luật đồ sộ, ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội của đất nước cũng như đời sống của nhân dân. Trong quá trình xây dựng luật, các nội dung đưa vào luật đều được cân nhắc kỹ lưỡng.