Đẩy sức mua tăng lên

ANTĐ - Mức hàng tồn đã dần đi vào ổn định, đó là nhận xét chung của các thành viên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 7 vừa qua. Đúng như thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chỉ số tồn kho tiếp tục có xu hướng giảm. Đầu tháng 7, chỉ số của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm mạnh với mức 9,7% so với tháng 6 và giảm tới 21,5% so với tháng 1-2013.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng, CPI mấy tháng qua xấp xỉ bằng 0, nhưng tháng 7 đã tăng lên sau khi điều chỉnh giá một số mặt hàng. Đề cập ý kiến cho rằng khi CPI tăng trưởng âm thì cần phải kích cầu mạnh lên, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã phân tích rất kỹ và nhận thấy việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô không thể lơi lỏng.

Bài học kinh nghiệm tháng 9-2012 chỉ rõ, vì một chút lơ là để giá cả điều chỉnh hàng loạt như giá dịch vụ y tế, xăng dầu… làm cho chỉ số CPI tăng vọt. Vì vậy, Chính phủ sẽ kiên trì giữ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp gỡ khó cho sản xuất kinh doanh. Nhìn bao quát, nhiều lĩnh vực kinh tế vẫn tăng trưởng chậm, chưa vững chắc, nhất là tiêu thụ lúa gạo, thủy sản gặp nhiều trở ngại, do giá giảm, sức mua yếu. Sản xuất kinh doanh chưa hết khó khăn, phục hồi chậm, lạm phát còn tiềm ẩn nguy cơ. Đặc biệt, thu ngân sách còn rất khó khăn, mức hụt thu cao, cân đối ngân sách chưa chắc chắn. Thu ngân sách có thể coi là một “điểm tối” của nền kinh tế 7 tháng qua. Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ quyết tâm dù khó mấy cũng phải nỗ lực đạt kế hoạch thu, chi. Theo đó, nhiệm vụ tài chính ngân sách phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thu, nợ thuế; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm…

Nền kinh tế đang đi đúng hướng, tốc độ tốt lên, song tăng trưởng dưới mức tiềm năng, nói một cách khác là có dấu hiệu trì trệ. Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, không đổi mới mạnh mẽ, không tái cơ cấu thì không thể vượt lên được và tụt hậu, chứ không còn là nguy cơ. Trước mắt, cái khó bao trùm là sức mua yếu. Làm cách nào để đẩy sức mua tăng lên? 

Theo phân tích và nhận định của giới chuyên gia trong và ngoài nước, trong 3 năm tới, cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức 7% và đẩy mức tăng trưởng nhích dần lên 5%, 5,5% rồi tới 6%. Không phải cứ chú trọng kiềm chế lạm phát là phải kéo lạm phát xuống ngay; cứ tập trung đẩy tăng trưởng thì phải “thúc” tăng trưởng lên cao ngay. Vấn đề là, đẩy lên và kéo xuống phải nhịp nhàng, đều tay, có như vậy mới có thể đẩy sức mua tăng lên.