Phòng ngừa khai thác cát trái phép:

Đẩy nhanh chủ trương đấu thầu công khai

ANTĐ - “Tổ chức đấu giá khai thác các mỏ cát trên địa bàn thành phố” là đề xuất được CATP Hà Nội đưa ra trên cơ sở bản quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt từ tháng 2-2013, và cũng chính là đề xuất từ thực tiễn công tác đấu tranh, phòng ngừa nạn khai thác cát trái phép trong nhiều năm qua.

Rất lãng phí những mỏ cát lộ thiên không được khai thác

Việc đương nhiên cần phải làm

Chống “cát tặc” theo tôi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với cơ quan chuyên môn. Bản quy hoạch mà thành phố ban hành từ tháng 2-2013 đã đáp ứng được tiêu chí này. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, “lên” được danh sách các mỏ cát, bến bãi trung chuyển của cơ quan chuyên môn, từ đó xác định trách nhiệm với từng cấp, từng ngành trong công tác quản lý.

Đấu thầu công khai để cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia là việc đương nhiên cần phải làm, để tạo ra thị trường lành mạnh, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, vừa không để lãng phí tài nguyên, cũng như phòng tránh tiêu cực trong công tác quản lý. Chỗ nào không nằm trong quy hoạch mà vẫn có tình trạng khai thát cát là vi phạm. Tương tự như thế, điểm nào chỉ được cấp phép làm bến trung chuyển mà xảy ra hút cát, cũng là vi phạm. Khi quy hoạch và đấu thầu được tiến hành công khai, những mỏ cát, bến bãi trung chuyển nào vi phạm sẽ dễ dàng bị người dân và lực lượng chức năng phát hiện. Một ý rất hay mà tôi cho rằng sẽ thành công nếu chúng ta tổ chức đấu thầu khai thác mỏ cát; đó là đơn vị trúng thầu tự nhiên sẽ trở thành “lực lượng” tham gia phòng ngừa “cát tặc”. Họ phải bảo vệ nguồn tài nguyên đã có được bằng hình thức trúng thầu. Đôi khi, “lực lượng” này hiệu quả còn cao hơn lực lượng chuyên trách, vốn đang có vô vàn sự “bó buộc” về nhân lực, phương tiện…

(Ông Đỗ Huy Chiến – Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Hà Nội)


“Đã có địa phương gọi điện hỏi kinh nghiệm”

Luật Khoáng sản ban hành từ năm 2010 đã quy định rất rõ, việc cấp phép khai thác khoáng sản bắt buộc phải thông qua đấu giá để đảm bảo sự minh bạch; đồng thời doanh nghiệp phải có nghĩa vụ với Nhà nước khi khai thác khoảng sản. Bản Quy hoạch sử dụng cát, sỏi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố đã bám sát chủ trương này. Tôi cho rằng, quy hoạch và nội dung đấu giá để cho phép khai thác các mỏ cát nằm trong quy hoạch đến thời điểm hiện tại là giải pháp khả thi, hiệu quả nhất để phòng, chống “cát tặc”.

Hiện tại, Sở Tài nguyên Môi trường đã tham mưu thành phố ban hành quy định đấu giá khoáng sản trên địa bàn thành phố. Sở cũng đã có quyết định phân công tổ chức đấu giá, giao cho một đơn vị chức năng của Sở chịu trách nhiệm. Hàng năm, chúng tôi sẽ rà soát quy hoạch và sẽ đề xuất thành phố cho phép khai thác mỏ cát trên cơ sở đáp ứng nhu cầu mua – bán, và nhất là mỏ đó phải còn cát. Dự kiến đến cuối năm 2014, các bước chuẩn bị sẽ hoàn tất và đầu năm 2015, việc đấu giá công khai những mỏ cát trên địa bàn thành phố sẽ được thực hiện. 

Gần đây, một số địa phương khi biết Hà Nội ban hành quy hoạch cũng như chủ trương về quản lý hoạt động khai thác cát, tài nguyên trên các tuyến sông, đã gọi điện thoại đến chúng tôi để hỏi kinh nghiệm, các bước tiến hành. Việc đấu thầu khai thác cát trên sông, có địa phương đã thực hiện từ lâu nhưng thực hiện trên cơ sở đồng bộ các tuyến sông, toàn thành phố, cũng như đánh giá phân tích kỹ nhu cầu và trữ lượng tài nguyên, có lẽ theo tôi chưa địa phương nào thực hiện. Không hoàn toàn đơn giản để đánh giá được ngay ưu điểm của chủ trương này, nhưng theo tôi, cần triển khai sớm, xem đó là cơ hội, một phép thử để phòng ngừa, giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép ở Hà Nội.

(Ông Nghiêm Đức Vinh – Trưởng phòng Tài nguyên, khoáng sản, Sở TN-MT TP Hà Nội)


“Chúng tôi muốn được kinh doanh một cách đàng hoàng” 

Nguồn “cung” từ “cát tặc” bao giờ cũng rẻ và tiện lợi hơn nhiều so với cát có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định, không phải doanh nghiệp nào, bến bãi nào cũng tiếp tay cho “cát tặc”. Chúng tôi muốn được kinh doanh một cách đàng hoàng, được thu mua, giao dịch cát mà không phải e dè, lo lắng. Nhưng, ở Hà Nội đến thời điểm này có được bao nhiêu địa chỉ “cung” chính danh như vậy? Nghe chuyện ngân sách mỗi năm chi cả tỷ đồng để hút, khơi luồng lạch; thời gian mỗi điểm khơi dòng mất cả tháng, giá mà chúng tôi được hút cát ở những điểm đó. Vừa sẵn cát, lại làm đủ trách nhiệm thuế với Nhà nước. 

Thành phố cần sớm tổ chức đấu thầu khai thác mỏ cát, tôi tin đa số các doanh nghiệp sẽ ủng hộ. Tài nguyên ở các tuyến sông sẽ được khai thác, vừa đảm bảo các yếu tố môi trường, dòng chảy, theo tính toán trong quy hoạch của cơ quan chức năng; vừa đúng giá trị của nó, đem lại nguồn thu ngân sách và sự… đàng hoàng của doanh nghiệp.

(Một doanh nghiệp kinh doanh bến trung chuyển vật liệu xây dựng ở quận Long Biên)