Đấu thầu giá điện mặt trời, chống tiêu cực, lợi ích nhóm

ANTD.VN - Thủ tướng quyết định, giá điện mặt trời sẽ được thực hiện theo cơ chế đấu thầu, thay vì phân chia theo vùng hoặc áp dụng phương án một giá.

Tránh trục lợi khi phát triển điện mặt trời

Ngày 22-11, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1-7-2019.

Giá điện mặt trời sau ngày 30-6-2019 (thời điểm Quyết định 11-2017 hết hiệu lực) sẽ không chia theo vùng, hay áp dụng phương án một giá điện cho tất cả vùng như phương án trình trước đây của Bộ Công Thương. 

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, gửi Thủ tướng trước ngày 15-12.

Thống nhất về cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành làm cơ sở để thực hiện đối với các dự án còn lại và các dự án mới.

Chính phủ cũng cho biết, các dự án điện mặt trời đã áp dụng biểu giá điện mặt trời theo Quyết định 11 sẽ không hồi tố. Chính phủ chủ trương tạo điều kiện phát triển hợp lý, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư.

Về giá điện mặt trời áp mái, Chính phủ thống nhất sẽ đưa ra mức giá cố định và giao Bộ Công Thương rà soát, đưa ra biểu giá phù hợp dựa trên nguyên tắc "tránh trục lợi chính sách".

Riêng với các dự án đã có hợp đồng mua bán điện, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan rà soát, báo cáo cụ thể danh mục dự án và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tính chính xác của danh mục này. 

Chính phủ khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nhưng lưu ý: “Phải cân nhắc, tính toán dài hạn để đạt được mục tiêu chiến lược, quy mô phát triển hợp lý từng thời kỳ gắn với bảo vệ môi trường; tuân thủ quy hoạch, đảm bảo cân bằng hệ thống điện...

Tuyệt đối chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong quản lý phát triển, kiên quyết loại bỏ cơ chế xin - cho, các dự án đầu tư tuyệt đối không được sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiềm ẩn rủi ro về môi trường"- văn bản Chính phủ nêu rõ.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, việc đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời đã thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, tuy nhiên trên thực tế còn nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, việc quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương thiếu khoa học, dự báo còn yếu kém; chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung. Do đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm.