Đau khớp “dự báo” thời tiết

ANTĐ - Mỗi khi sắp trở trời, nhiều người thường kêu đau khớp gối. Liệu điều kiện thời tiết có ảnh hưởng đến những cơn đau đó? Dưới đây là câu trả lời cho vấn đề này.

Mối liên hệ giữa bệnh khớp và thời tiết vẫn đang được tranh luận gay gắt. Hippocrate - cha đẻ của nền y học từng khẳng định một số bệnh phát sinh theo mùa. Trong khi đó y học Trung Quốc cũng gọi bệnh thấp khớp là “bệnh gió mùa”. Cho đến nay, y học hiện đại đã chỉ ra rằng một số cơn đau khớp có bị ảnh hưởng bởi thời tiết hay nhiệt độ, tuy nhiên không phải tất cả. Các bệnh đau đầu, đau răng, đau quai hàm, đau xương chậu, rối loạn cơ khớp, đau dây thần kinh… đều khiến người bệnh đau ê ẩm khi nhiệt độ ngoài trời thay đổi.

Theo Tiến sĩ Robert Newlin Jamison, một giáo sư thuộc Khoa Tâm thần học và gây mê tại Đại học Y khoa Harvard, Mỹ và là một nhà nghiên cứu về hiệu ứng thời tiết trên các bệnh nhân đau mạn tính, thì sở dĩ có hiện tượng như vậy là do áp suất khí quyển. Bình thường áp suất khí quyển cao sẽ đẩy từ bên ngoài vào cơ thể khiến cho các mô không nở rộng ra được. Khi thời tiết xấu, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực cho các khớp. Đặc biệt đối với những bệnh nhân mãn tính, dây thần kinh có thể nhạy cảm hơn. Để lý giải rõ hơn, Tiến sĩ Jamison cho biết: “Ảnh hưởng của áp suất khí quyển với cơ thể người là rất rõ ràng như khi bạn ngồi trên máy bay trên bầu trời hay ngồi trong tàu vũ trụ đang lơ lửng ngoài không trung. Có thể bạn không để ý, nhưng khi ngồi trên máy bay, áp suất giảm, bàn chân chúng ta thường sưng lên”.

Thử nghiệm trên động vật cho thấy, chúng cũng có phản ứng với thời tiết như loài người. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho những con lợn Guinea bị bệnh đau lưng vào trong các chuồng có áp suất thấp, và các cơn đau của chúng tăng dần lên theo hiệu chỉnh áp suất. Ngoài ra, độ ẩm tăng cũng gây nên các bệnh sưng mỏi khớp. Còn các bệnh như giãn dây chằng, đau cơ xương, viêm khớp… đều do nhiều yếu tố khác nhưng đều đau mỏi hơn khi thay đổi thời tiết.

Đối với bệnh nhân bị viêm khớp giữ ấm phòng, mặc quần áo nhiều lớp có thể giúp giảm các cơn đau mỗi khi trời lạnh. Ngoài ra, bạn có thể đắp chăn điện đi ngủ và sấy ấm quần áo trước khi mặc. Dán một miếng dán giữ nhiệt vào cơ đau, nhiệt độ ấm sẽ làm các cơ bắp thư giãn. Đối với các bệnh khớp, trước khi ra ngoài trời lạnh, hãy vận động các khớp đau để tránh bị cứng khớp. Khi thời tiết liên quan đến các cơn đau đó, cơ thể một phần sẽ tự điều chỉnh để thích nghi với thời tiết.