“Đạo” tranh, khó có “thuốc” chữa

(ANTĐ) - “Rầm rộ” và “lộ liễu” là những từ ngữ dùng để diễn tả đầy đủ và chính xác nhất về nạn “đạo” tranh trên thị trường Mỹ thuật Việt Nam. Cơ quan quản lý biết, nhưng bó tay cho dù chúng ta có đủ các văn bản pháp lý để xử lý.  Xem ra “căn bệnh” này đến nay vẫn được xếp vào dạng “nan y”.

“Đạo” tranh, khó có “thuốc” chữa

(ANTĐ) - “Rầm rộ” và “lộ liễu” là những từ ngữ dùng để diễn tả đầy đủ và chính xác nhất về nạn “đạo” tranh trên thị trường Mỹ thuật Việt Nam. Cơ quan quản lý biết, nhưng bó tay cho dù chúng ta có đủ các văn bản pháp lý để xử lý.  Xem ra “căn bệnh” này đến nay vẫn được xếp vào dạng “nan y”.

Xử lý chưa nghiêm

“Lấp ló” của họa sĩ Trần Công Dũng
“Lấp ló” của họa sĩ Trần Công Dũng

Gần đây, sau mỗi cuộc thi mỹ thuật lại “nảy” ra một vài bức tranh bị tố: sao chép tranh hay còn được gọi thẳng là “đạo tranh”. Kiện cáo ầm ĩ một thời gian rồi sự việc lại trôi vào quên lãng để rồi tiếp theo đó lại xuất hiện các vụ việc mới. Hiện tượng này lặp đi lặp lại và ngày càng có xu hướng nở rộ. Sự việc phần lớn được phát giác qua các cuộc thi mỹ thuật khi bức tranh đoạt giải hoặc được trưng bày triển lãm. Vậy thì, có biết bao bức tranh đang được bày bán tại các gallery mà chủ nhân của nó “đạo” tranh của người khác? Câu hỏi này quả thực rất khó trả lời. Để thẩm định một bức tranh có sao chép hay không lại trở nên quá khó khăn với lực lượng thanh tra văn hóa cấp sở và cấp bộ. Công việc này phần lớn dựa vào các nhà chuyên  môn có kinh nghiệm lâu năm hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật.

Cho dù, các chế tài xử lý  nạn sao chép tranh đều có đầy đủ trong các văn bản quy định của Nhà nước và pháp luật nhưng bộ máy thực thi công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực mỹ thuật của Việt Nam còn yếu. Người am hiểu lĩnh vực này vốn “hiếm như sao buổi sớm”. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Một bức tranh nếu được khẳng định là sao chép, mức xử phạt có thể lên tới 50 đến 70 triệu đồng nhưng từ trước tới nay chưa xử được vụ nào. Phần lớn các vụ việc được phát hiện tại các cuộc thi mỹ thuật chỉ dừng lại ở việc thu hồi giải thưởng, tác phẩm. Vì thế, tính cương quyết và răn đe của pháp luật còn nhẹ”. Để đối phó với hiện tượng này, các hội nghề nghiệp đang đưa ra thảo luận việc cấm hoạt động đối với hội viên vi phạm bản quyền. Hội Mỹ thuật Hà Nội đã có một bước tiến đáng kể và quyết liệt khi đã đưa tiêu chí này vào điều lệ hoạt động của hội trong nhiệm kỳ 2011-2015.

Trau dồi vốn văn hóa

“Dưới mưa” của tác giả Nguyễn Đức Khởi bị nghi là “đạo” tranh “Lấp ló”
“Dưới mưa” của tác giả Nguyễn Đức Khởi bị nghi là “đạo” tranh “Lấp ló”

Hiện, nạn “đạo” tranh đang làm tổn hại tới sự phát triển của mỹ thuật nước nhà. Nếu không được giải quyết tới cùng, đây sẽ là nguyên nhân gây suy yếu nền mỹ thuật Việt Nam. Nhiều họa sĩ tên tuổi cho rằng, cái mà người họa sĩ cần học trước khi cầm bút là trau dồi văn hóa, học tập trong vốn cổ. Trên thế giới, danh họa Picaso đã học tập rất nhiều từ mỹ thuật châu Phi để rồi từ đó biến thành chất riêng của ông mà nhìn vào đó, không ai bảo ông đạo tranh hay đạo ý tưởng của mỹ thuật châu Phi.

Hay tại Việt Nam, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm cũng có thể được coi là một trong những danh họa học tập trong vốn cổ mỹ thuật Việt Nam một cách tài tình để chuyến biến thành một phong cách mỹ thuật riêng biệt. Các tác phẩm khai thác về đề tài múa cổ của ông đã lấy các motip mỹ thuật đình làng, các pho tượng trên các điện thờ Mẫu và được ông sắp xếp, biến tấu đi tạo nên những bức tranh không chỉ đẹp mà còn giàu tính văn hóa truyền thống Việt Nam. Một trong những tác phẩm như thế đã từng đoạt giải nhất tại cuộc thi tranh hiện thực Sofia năm 1977.

Vậy thì, trong khi cấp độ quản lý chưa thực thi hết khả năng để hạn chế nạn “đạo” tranh có lẽ phần lớn được giải quyết dựa vào ý thức của các nghệ sỹ. Theo đánh giá của PGS.TS nghệ thuật học Nguyễn Đỗ Bảo: “Người họa sỹ đi “đạo” tranh của người khác ngoài đạo đức nghề nghiệp kém còn cho thấy tay nghề của anh ta yếu và một nền tảng kiến thức văn hóa bị rỗng. Mức độ sao chép tranh có thể ít hay nhiều trong tác phẩm nhưng đều là lỗi cố tình và khi bị phát hiện cần được nghiêm trị”. Việc trau dồi vốn văn hóa để tìm ra nhiều ý tưởng và nhiều cảm hứng sáng tác cũng là một trong những biện pháp mà PGS Nguyễn Đỗ Bảo đưa ra để giảm tải nạn “đạo” tranh đang “tăng trưởng”.

Phạm Thu Hương