Đào tạo rút gọn 3 năm đại học: Nhiều ưu điểm, nhưng cũng khó làm ngay

ANTD.VN - Sau khi Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cho phép giảm thời gian đào tạo đại học xuống còn 3 năm, trừ ngành Y, các trường đại học bắt đầu lên kế hoạch thiết kế lại chương trình đào tạo. Tuy nhiên, có trường khẳng định sẽ không thay đổi khung chương trình đào tạo, vẫn giữ nguyên 4-5 năm.

ĐH Bách khoa Hà Nội không rút ngắn thời gian đào tạo cử nhân

Rút ngắn thời gian học ở trường

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, thay đổi thời gian đào tạo đại học theo hướng rút ngắn sẽ khắc phục được những nhược điểm hiện có của giáo dục đại học. Thời gian đào tạo đại học hiện hành là 4 năm đối với hệ cử nhân và 6 năm hệ bác sỹ, 5 năm hệ kỹ sư. Nếu giảm thời gian học đại học xuống còn 3 năm, sinh viên có thể sớm hoàn thành chương trình đào tạo nhưng không có nghĩa là giảm khối lượng kiến thức hay chất lượng đào tạo.

So với quy định hiện hành, thời gian đào tạo giảm ít nhất 1 năm đối với đại học, giữ nguyên đối với thạc sĩ và tăng 1 năm đối với tiến sĩ. Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ thông thường 2 năm; thời gian đào tạo 1 năm dành cho những học viên đã theo học chương trình đại học 5 năm.

Đào tạo đại học không còn cung cấp kiến thức cho sinh viên là chính như trước đây, mà phải hướng dẫn sinh viên phát huy năng lực, phẩm chất. Vì thế, sinh viên không nhất thiết phải dành toàn bộ thời gian trên giảng đường, mà dành nhiều thời gian hơn để tự học có hướng dẫn, tự nghiên cứu, thảo luận… 

Việc tổ chức đào tạo theo học tín chỉ cũng cho phép sinh viên xây dựng kế hoạch học tập linh hoạt hơn. Chương trình đào tạo cũng được thiết kế cô đọng hơn, chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cốt lõi, những qui luật chung nhất để trên cơ sở đó sinh viên có thể phát triển tư duy. Tất cả những yếu tố đó giúp rút ngắn được thời gian sinh viên lưu lại trường, nhưng kiến thức, kỹ năng mà sinh viên thu nhận được gia tăng.

Tốt nghiệp cử nhân sau 3,5 năm 

Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, từ khi chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chương trình của trường đã được thay đổi, phù hợp với khung hệ thống giáo dục quốc dân vừa được ban hành. Quy định về khung chương trình đào tạo đại học tối thiểu là 120 tín chỉ song trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn xây dựng thực tế là 130 tín chỉ.

Dù vậy, nhiều sinh viên vẫn có thể tốt nghiệp trong thời gian 3,5 năm. “Thực tế, trường ĐH Kinh tế quốc dân áp dụng vấn đề này ngay khi chuyển sang đào tạo tín chỉ. Mọi sinh viên đều hoàn toàn có thể lên kế hoạch phù hợp với năng lực, nhu cầu bản thân để rút ngắn thời gian học tại trường. Sinh viên có thể đăng ký học tối đa 12 tín chỉ trong dịp hè. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, nhà trường cũng đưa ra quy định tối đa số tín chỉ sinh viên được đăng ký trong mỗi kỳ” -  ông Bùi Đức Triệu cho biết.

“Về lý thuyết, sinh viên hoàn toàn có thể hoàn thành chương trình cử nhân trong 3 năm nhưng trên thực tế chưa có sinh viên nào thực hiện được trong 10 năm qua; sớm nhất cũng là 3,5 năm. Tuy nhiên, đây là điều đáng khuyến khích, cho thấy sự linh hoạt của sinh viên cũng như cơ sở đào tạo” - ông Bùi Đức Triệu nói.

Còn theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, tại trường này, khoảng 11% sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn (3 - 3,5 năm) trong số 15.000 sinh viên tốt nghiệp theo hệ thống tín chỉ. Trong đó, có khoảng 300 sinh viên tốt nghiệp trong vòng 3 năm.

Để có được con số trên, đầu tiên, chương trình đào tạo của nhà trường phải được xây dựng dựa trên cơ sở đào tạo theo nhu cầu, chọn lọc môn học phù hợp làm gốc. Trường phải thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các nhà tuyển dụng, cơ quan quản lý Nhà nước để cập nhật nhu cầu từ thị trường lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên.

Tuy nhiên, không phải trường đại học nào cũng áp dụng ngay chương trình đào tạo rút gọn. Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo của trường được thiết kế theo hai hệ: hệ cử nhân có số tín chỉ tương đương 4 năm học và hệ kỹ sư là 5 năm. Nếu rút ngắn thời gian đào tạo sẽ không đảm bảo được lượng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu đối với các bậc đào tạo.

Ông Trần Văn Tớp khẳng định, trước mắt, trường sẽ không áp dụng quy định đào tạo cử nhân, kỹ sư trong 3 năm vì với ĐH Bách khoa Hà Nội, chương trình không thể giảm được. Nhà trường đã tính toán để đảm bảo đầy đủ lượng kiến thức cần thiết, mỗi năm sinh viên trường này sẽ học 30-33 tín chỉ. 

Việc được phép rút ngắn thời hạn đào tạo cử nhân sẽ tạo điều kiện cho sinh viên tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, đồng thời phù hợp với xu thế chung của đào tạo đại học trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề mọi người quan tâm nhất là sản phẩm giáo dục đại học và sau đại học của nước ta có được các nước trong khu vực ASEAN và thế giới công nhận và liệu sinh viên tốt nghiệp có hòa nhập được thị trường lao động chung của thế giới?