Cử nhân thất nghiệp đe dọa "nồi cơm" cơ sở đào tạo

ANTD.VN - Tình trạng thất nghiệp với con số gần 1,1 triệu người trong nửa đầu năm 2016 cho thấy sự lãng phí trong đào tạo nhân lực khi không đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Điều này đang khiến Bộ GD-ĐT, các trường ĐH buộc phải đưa ra những biện pháp cấp bách, như điều chỉnh giao chỉ tiêu gắn với hiện trạng việc làm; tư vấn đầu vào phù hợp với năng lực người học; liên kết doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho người học…

Người học cần cân nhắc kỹ cơ hội việc làm khi chọn ngành đào tạo

Cắt chỉ tiêu với ngành khó tìm việc làm

Một con số gây bất ngờ trong mùa tuyển sinh 2016, đó là có tới 30% thí sinh dự thi THPT quốc gia không đăng ký xét tuyển ĐH. Con số này hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh Bộ LĐ-TB&XH công bố, cả nước có gần 1,1 triệu người thất nghiệp trong quý II, trong đó, cử nhân, thạc sĩ nằm trong nhóm có số người thất nghiệp cao nhất, gần 200.000 người.

Theo nhiều chuyên gia, thực trạng nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường không tìm được việc làm đã khiến thí sinh năm nay phải suy nghĩ kỹ khi lựa chọn hướng khởi nghiệp cho tương lai. Điều này không chỉ ảnh hưởng mạnh tới quyền lợi người lao động mà còn là mối đe dọa không nhỏ đối với các cơ sở đào tạo.

Động thái thấy rõ nhất là việc nhiều trường ĐH kéo dài tuyển sinh từ tháng 8 tới nay vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Đáng chú ý là lần đầu tiên xuất hiện những trường đại học công lập có tiếng như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội đã không tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên.

Trước tình trạng này, không chờ Bộ 

GD-ĐT hỗ trợ, nhiều trường đã ý thức được đây là vấn đề tự thân và buộc phải công bố không hạ mức điểm xét tuyển đầu vào để đảm bảo chất lượng, dù chưa đủ chỉ tiêu. Điều này cũng được Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường không nên chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng.

Không chỉ dừng ở khuyến cáo, mới đây, ngày 1-10, Bộ GD-ĐT đã phải yêu cầu các ĐH, học viện triển khai thu thập thông tin, báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy trình độ ĐH, CĐ. Báo cáo này là yêu cầu bắt buộc, làm cơ sở để Bộ GD-ĐT giám sát chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường và phải được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của trường. Đây cũng là cơ sở để các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Bổ sung kỹ năng mềm cho sinh viên

Ông Hoàng Sơn Công, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát hàng trăm doanh nghiệp về khâu tuyển dụng cho thấy, sự hạn chế nhận được cơ hội việc làm của sinh viên là do thiếu rất nhiều các kỹ năng quan trọng bên cạnh kiến thức chuyên ngành.

“Sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước thiếu từ 20-50 yêu cầu kỹ năng làm việc của các doanh nghiệp như: kỹ năng xử lý thông tin văn phòng, hoạt động nhóm theo quy chuẩn giờ giấc, báo cáo, kỹ năng quản lý thời gian, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp... Đây là khoảng cách lớn giữa yêu cầu của các nhà tuyển dụng với kết quả đào tạo của nhà trường. Chính vì vậy, sinh viên ra trường chưa thể tiếp cận ngay với công việc trong khi các doanh nghiệp lại đang rất thiếu nhân lực” - ông Công phân tích.

Để giải quyết vấn đề này, ông Công cho biết, dự án việc làm cho sinh viên đã được Hiệp hội triển khai với việc xây dựng các câu lạc bộ nghề nghiệp và việc làm tại các trường đại học. Các câu lạc bộ này sẽ đào tạo tất cả kỹ năng và đảm bảo đầu ra cho các thành viên. Ban đầu, các câu lạc bộ này sẽ có khoảng 50 - 100 thành viên.

Thấy rõ điểm yếu của đào tạo đại học không gắn liền với nhu cầu lao động thực tế, ĐH RMIT đã có một mô hình khá hoàn chỉnh cho các sinh viên của mình có nhiều cơ hội tiếp cận việc làm sớm nhất có thể. Trưởng bộ phận Hỗ trợ và Tư vấn hướng nghiệp, bà Phoenix Hồ cho biết, một trong những mục tiêu lớn nhất của Phòng Hướng nghiệp và Việc làm trường này là giúp các bạn sinh viên tăng tối đa khả năng được tuyển dụng.

Đầu tiên, sinh viên ngay khi vào trường đã được đồng hành để xác định con đường phát triển sự nghiệp phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân. Sinh viên và phụ huynh còn được tư vấn hướng nghiệp cá nhân bất cứ khi nào gặp khó khăn trong việc chọn lựa ngành học, chuẩn bị cho công việc tương lai, hay chuyển đổi nghề nghiệp. 

“Phòng Hướng nghiệp và Việc làm còn tổ chức những buổi phỏng phấn thử được dàn dựng như một buổi phỏng vấn thực sự với đại diện các phòng ban, có thang chấm điểm cụ thể… để sinh viên có cơ hội thực hành và rèn kỹ năng phỏng vấn trước khi bước vào những vòng phỏng vấn xin việc. Ngoài ra, chương trình hoàn thiện kỹ năng cá nhân của ĐH này được thiết kế nhằm đào tạo 5 nhóm kỹ năng tuyển dụng trong suy nghĩ sáng tạo, giao tiếp tự tin, làm việc đội nhóm hiệu quả, lãnh đạo tương lai và tự chủ trong hướng nghiệp của bản thân” - bà Phoenix Hồ cho biết.

Cơ hội cọ sát với nhà tuyển dụng 

Liên tục trong tháng bắt đầu năm học mới, các trường đại học đồng loạt đưa ra chương trình ngày hội hướng nghiệp nhằm hỗ trợ tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên. Mới đây nhất là chương trình ngày hội việc làm với các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam tổ chức tại ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội.

Chương trình được các bạn sinh viên coi là một “lễ hội” việc làm không thể bỏ qua khi năm 2015, chương trình này  thu hút hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản như Panasonic, Toyota, Misubishi… tham dự tìm kiếm ứng viên. Trước đó, ngày 10 và 11-9, ĐH Xây dựng cũng tổ chức thành công chương trình ngày hội việc làm trong  dự án “Xúc tiến phát triển nguồn nhân lực Nhật - Việt”.

Với ĐH Ngoại thương, ngày hội việc làm là một hoạt động thường niên và hiệu quả cao. Tại sự kiện này năm 2016, ĐH Ngoại thương đã thu hút hơn 350 bạn sinh viên, các em đã có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ năng phỏng vấn trực tiếp từ các doanh nghiệp hàng đầu về Điện tử, Logistic, Marketing, IT… như Toyota, Honda, Panasonic, Ricoh, Denso, Sumi, Aureole, B&Company, Asahi Intecc, Yokowo, Terumo, Inoue, Inoac…

Mô hình ngày hội việc làm tổ chức tại các trường ĐH đã trở thành cầu nối hữu ích, kéo gần khoảng cách cơ hội việc làm cho các cử nhân cũng như với các nhà tuyển dụng. Ông Hoàng Sơn Công cho rằng, thời gian qua, công tác này chưa đạt hiệu quả cao vì hoạt động rời rạc, chưa có dữ liệu cụ thể.

Vì thế, việc liên kết nhiều bên, gồm đơn vị đoàn thanh niên, trường học, hệ thống doanh nghiệp với sự vào cuộc của các hiệp hội, các cơ quan chủ quản như Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương... sẽ tạo hiệu ứng lớn hơn nhiều, khi mỗi năm có tới hơn 600.000 sinh viên của hơn 400 trường CĐ, ĐH tốt nghiệp. 

Càng học cao, càng thất nghiệp nhiều

Theo TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, số người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp trong quý II tăng 16.400 người so với quý I năm nay.

Đáng chú ý, trong số gần 1,1 triệu người thất nghiệp, nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ ĐH trở lên với 191.300 người, tiếp đến là nhóm CĐ chuyên nghiệp với 94.800 người và Trung cấp chuyên nghiệp là 59.100 người.

Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3% trong tổng số người thất nghiệp - gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Ngoài ra, số người thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng chiếm tới 22,6% tổng số người thất nghiệp.

Nhiều ngành nhu cầu cao vẫn ít người học

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hệ thống trường Trung cấp chuyên nghiệp đào tạo nghề của Hà Nội hiện có 48 trường với hơn 80 chuyên ngành đào tạo. Trong đó, một số ngành có đầu ra tốt với cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp bao gồm: Hướng dẫn du lịch, Kỹ thuật chế biến, Xây dựng, Sư phạm mầm non, Dược…

Những trường điển hình như Trung cấp Kinh tế Hà Nội 1, Trung cấp Cộng đồng, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn... đều có những định hướng đúng đắn về ngành nghề đào tạo như kết hợp đào tạo truyền thống mũi nhọn, đào tạo ngắn hạn, kỹ năng... nên hoạt động tương đối ổn định.

Một số ngành mới thu hút được học sinh như Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, Chăm sóc nuôi dạy trẻ ứng dụng phương pháp mới, Điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi... Tuy nhiên, toàn thành phố vẫn có 31/48 trường chỉ tuyển sinh được dưới 50% chỉ tiêu, nhiều ngành nhu cầu cao nhưng vẫn ít học viên theo học.