Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Nhà làm phim nào cũng mơ có tác phẩm doanh thu trăm tỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian gần đây, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gây chú ý khi quyết định chuyển thể cuốn tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi lên màn ảnh rộng. Làm phim chiếu rạp chuyển thể từ tác phẩm văn học đã khó, lại phải làm sao cho khác với bản phim truyền hình từng rất thành công trước đó có lẽ không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế ngay khi thông tin này được công bố đã có nhiều ý kiến trái chiều. Thế nhưng, con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng bày tỏ, anh làm bộ phim này với mong muốn xóa tan định kiến phim bối cảnh xưa, phim lịch sử sẽ khó đạt được doanh thu cao.

Thích mơ mộng và vượt qua giới hạn

- Phóng viên: Xin chào đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, cảm xúc lúc này của anh thế nào khi đứa con tinh thần của mình (dự án phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”) đang quá trình hoàn thiện hậu kỳ để ra mắt khán giả vào tháng 10 tới?

- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Tôi rất xúc động khi bộ phim “Đất rừng phương Nam” đang đếm lùi ngày để có thể ra mắt khán giả. Còn nhớ 7 năm trước tôi từng tư vấn cho HKfilm nên mua bản quyền phim truyền hình “Đất phương Nam” để làm phiên bản điện ảnh. Sau đó 1 năm, HKfilm đã mua thành công và tôi được mời làm vị trí sản xuất sáng tạo (phụ trách tư vấn nội dung). Trong quá trình xây dựng và sửa kịch bản, nghệ sĩ Trinh Hoan - Giám đốc Hkfilm (cũng là người quay phim truyền hình “Đất phương Nam” năm 1997) đề nghị tôi làm đạo diễn luôn dự án. Tôi đồng ý với mong muốn làm một bộ phim anh hùng ca về Nam bộ. Có lần, đạo diễn Lê Hoàng sau khi đọc kịch bản đã thốt lên: “Em điên à? Sao làm kịch bản tốn kém thế?”. Lúc đó, tôi chỉ trả lời: “Thì em làm phim “Tiệc trăng máu” sướng quá rồi, giờ em trả lại nghề một cái khó. Em thích mơ mộng, thích vượt qua giới hạn”.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và cố vấn, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và cố vấn, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

- Khi bắt tay thực hiện dự án này, anh có áp lực bị so sánh với phiên bản phim truyền hình “Đất phương Nam” năm 1997 vốn đã rất thành công không?

- Thật ra tôi không chịu quá nhiều áp lực như bạn nói. Tôi cũng lường trước những tranh cãi từ khán giả khi phim ra rạp vì đã có trải nghiệm tương tự trong nhiều dự án trước rồi. Tôi chỉ tâm niệm, dù câu chuyện mới hay cũ, điều quan trọng là chúng ta cần kể theo góc nhìn của mình. Áp lực lớn nhất của tôi là kinh phí bởi dự án này rất tốn kém, bối cảnh trải dài nhiều tỉnh như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh... Năm 1997, khi làm phim “Đất phương Nam”, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn buộc phải bỏ bớt yếu tố “rừng” để giảm chi phí sản xuất. Chúng tôi thì giữ lại vì muốn truyền tải đúng nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi.

Phim truyền hình “Đất phương Nam” ra mắt năm 1997, dài 11 tập, nói về cậu bé An mồ côi mẹ, tha phương đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những mảnh đời lầm than dưới ách áp bức của địa chủ, thực dân. Hoàn cảnh đưa đẩy họ trở thành những nông dân khởi nghĩa. Tuy cực khổ, An vẫn luôn sống trong sự đùm bọc của những người thương yêu - nguồn động lực đưa cậu vượt qua gian khổ. Sau khi phát sóng, tác phẩm trở thành một trong những phim truyền hình kinh điển với nhiều thế hệ khán giả.

- Có điểm gì ở phim “Đất rừng phương Nam” khiến anh tự tin sẽ kéo được khán giả ra rạp?

- Làm sao để tác phẩm lôi cuốn khán giả đến rạp là câu chuyện nan giải của bất cứ ai thực hiện dự án phim. Hai giờ đồng hồ rất dài, cần làm gì để hấp dẫn người xem về nội dung, hình ảnh cũng như những điều thú vị của vùng đất Nam bộ luôn là câu hỏi tôi đặt ra mỗi ngày. Kịch bản phải chọn lọc, thêm bớt ra sao để vẫn giữ được tinh thần câu chuyện gốc. Đó là lý do chúng tôi mất hơn 5 năm để tìm những phương án khả thi.

- Anh mất 5 năm để lên phương án thực hiện “Đất rừng phương Nam”. Điều này cho thấy, có vẻ như tham vọng của anh không chỉ dừng lại ở dự án này?

- Phim này lớn hơn các dự án tôi từng thực hiện như “Tiệc trăng máu”, “Tháng năm rực rỡ”... về kinh phí lẫn công sức, thời gian chuẩn bị. Chúng tôi mong tác phẩm đạt lợi nhuận tốt để trong tương lai nhà đầu tư tự tin với các dự án lớn. Ngoài ra, cũng tiết lộ thêm là chúng tôi có tham vọng làm tác phẩm nhiều phần, mỗi phần là một trải nghiệm của cậu bé An với từng vùng đất, con người Nam bộ. Phần đầu sẽ là cậu bé tìm cha. Hệ thống nhân vật vẫn thân thuộc với khán giả như bản truyền hình “Đất phương Nam”, nhưng sẽ có nhiều chi tiết, góc nhìn thay đổi, bởi tôi thuộc thế hệ khác với đạo diễn Vinh Sơn, cũng như khán giả ở rạp khác với công chúng xem truyền hình ngày trước. Bây giờ, để khiến người ta mua vé ra rạp, một bộ phim cần nhiều thứ hơn ngày trước.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dành rất nhiều tâm huyết cho dự án 'Đất rừng phương Nam”

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dành rất nhiều tâm huyết cho dự án 'Đất rừng phương Nam”

- Đâu là phân cảnh khiến anh cảm thấy khó khăn nhất khi thực hiện dự án này?

- Như bạn biết, quay phim trên vùng sông nước rất phức tạp, chẳng hạn phải trả thuyền về đúng vị trí cũ mỗi khi ghi hình lại một phân đoạn. Phân cảnh thử thách tôi nhất là lúc chú chó Phèn xuất hiện, vì cần kết hợp kỹ xảo và các diễn viên. Chúng tôi còn phải tìm các đàn trâu vài chục con, tập hợp lại, huấn luyện chúng cho dễ điều khiển. Lượng diễn viên quần chúng khổng lồ lên đến 5.000 người cho toàn bộ phim cũng là một thách thức.

Cần có một phép thử

- Anh kỳ vọng doanh thu “Đất rừng phương Nam” sẽ là mấy số 0?

- Không chỉ tôi, hầu như nhà làm phim nào cũng mơ có tác phẩm đạt doanh thu 400 - 500 tỷ đồng. Trước đây, tôi từng có 3 phim đạt doanh thu kỷ lục, phim có doanh thu trăm tỷ. Sau này tôi nhận ra quan trọng nhất là làm phim mình thích, đồng thời có lãi để mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Phim thắng lớn thì quá vui, nhưng điện ảnh cũng cần những dự án không lãi nhiều, thậm chí lỗ, song sẽ là tiền đề cho tương lai. Với tôi, “Đất rừng phương Nam” là một phép thử như thế để mở ra các phim cùng thể loại, chẳng hạn như “Chiếc lược ngà” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cha tôi (cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng - PV).

- Khi biết nhiều diễn viên tham gia “Đất rừng phương Nam”, trong đó có Trấn Thành, một số khán giả cho rằng nam diễn viên chưa thực sự phù hợp. Với tư cách là đạo diễn của bộ phim này, anh sẽ nói điều gì?

- Khi nhận dự án này, chính tôi cũng bị nhiều người lo ngại và nói không hợp. Chúng tôi quan niệm, mỗi tác phẩm đều là một cuộc khám phá mới với bản thân. Trong phim Trấn Thành vào vai Bác Ba Phi. Đây không phải vai quá dài nhưng có 2 điểm chốt để có thể thay đổi suy nghĩ của bé An. Với Trấn Thành, để vào vai này không hề khó vì anh ấy cũng nghiên cứu kỹ và diễn làm sao cho thuyết phục. Tất nhiên tôi nói khán giả không tin, nhưng khi nào phim chiếu mọi người sẽ hiểu. Trấn Thành là người rất hoạt ngôn. Bác Ba Phi cũng hoạt ngôn, có tinh thần vui vẻ, mang lại niềm vui nhưng ẩn sau đó là sự trăn trở. Trấn Thành đóng một vai không dài, nhưng với tôi, anh làm ra được chất bác Ba Phi mà tôi mong muốn. May mắn cho chúng tôi là Trấn Thành đọc kịch bản và yêu thích nó nên đã nhận lời dù mức thù lao không cao, thậm chí anh ấy còn đầu tư một phần vào phim.

- Tiêu chí lựa chọn diễn viên của anh thế nào? Anh có quan trọng đó là “ngôi sao” phòng vé hay là một diễn viên mới không?

- Chúng tôi mất 2 năm casting. Tôi cũng không rõ tiêu chí của mình là gì (cười), chỉ biết chọn bằng cảm nhận. Họ diễn thử vài đoạn quan trọng khiến tôi tin đó là nhân vật trong tưởng tượng của mình. Chúng tôi còn được đạo diễn Vinh Sơn giúp viết kịch bản đầu tiên, hệ thống lại nhân vật, sau đó chúng tôi sửa và đưa ông đọc để xin ý kiến. Ông cũng có những buổi chỉ dạy thêm cho các diễn viên nhí đóng vai An, Cò, Xinh. Trên trường quay, tôi không kiểm soát cái tôi của diễn viên. Tôi chỉ nói rõ mục đích của nhân vật, nội dung phim và những cảnh quay cũng như ý đồ của mình. Mỗi diễn viên sẽ hiểu và có sáng tạo của riêng họ. Một bộ phim là sự góp sức của nhiều người cùng tiến về một hướng, tôi không bao giờ biến người khác thành robot chỉ biết làm theo ý của tôi. Tôi tận dụng sự sáng tạo của mọi người để đạt được mục đích chung.

- Anh có thể chia sẻ một vài dự định trong thời gian tới?

- Trong một dịp trở lại Nha Trang, chính sự mến khách của người dân và chính quyền nơi đây khiến tôi nhen nhóm ý định sẽ làm những bộ phim mới của mình. Đó có thể là phim “Mỹ nhân kế 2” hoặc một dự án phim nào đó. Tôi cũng đã khảo sát một số địa điểm ở Nha Trang rất phù hợp để thực hiện các dự án phim trong thời gian tới. Hy vọng, khán giả sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ tôi và những bộ phim của tôi trong tương lai.

- Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng về cuộc trò chuyện!