Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Có khi “khùng” lại hay!

ANTĐ - 13 năm làm nghề, với gia tài là 4 bộ phim đạt doanh thu thuộc loại “khủng” nhất của điện ảnh Việt Nam, đang chuẩn bị bấm máy bộ phim thứ 5 với dự kiến doanh thu sẽ gây “sốc”; được coi là đạo diễn có mức cát xê cao nhất hiện nay, vậy mà người đó lại tự nhận mình là “khùng”, và cũng đã từng cho mình chẳng có tài cán gì, chẳng qua là may mắn và được dựa vào cái “bóng” sáng của cha là nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Cho đến bây giờ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn thích cái nghệ danh Dũng “khùng” của mình

- Chào Dũng “khùng”, tôi thấy anh có “khùng” đâu, sao người ta lại gọi anh bằng cái biệt danh Dũng “khùng”?

- Tôi tự đặt cho mình đấy. Hồi trẻ tôi đặt tên như vậy để phân biệt với các Dũng khác trong giới nghệ thuật và cái tên đó cũng rất đúng với những suy nghĩ và hành động gàn gàn, cực đoan của tôi một thời tuổi trẻ. Theo thời gian, tôi đã biết điều chỉnh bớt cái “khùng” của mình nhưng vẫn muốn giữ lại cái tên đó cho mình. Nhưng nhiều khi tôi thấy người khùng họ sống vô tư thoải mái, trong khi nhiều người toan tính mà làm toàn chuyện có hại. Có khi khùng lại hay hơn.

- Anh chẳng “khùng” chút nào, đọc các bài trả lời phỏng vấn của anh trên báo chí đều thấy anh trả lời rất hóm hỉnh và khôn ngoan. Nói về đồng nghiệp thì đa phần là khen, mà nói về chuyện tình cảm thì… nói mà như chẳng nói gì?

- Bởi vì tôi không ủng hộ mốt khai thác sự méo mó của truyền thông thời gian gần đây. Tôi thấy sợ khi mỗi ngày mở báo ra toàn “nghi vấn”, tố cáo, nói xấu nhau. Nhiều lúc tôi thấy đọc báo mọi thứ nó trở nên xấu hơn, nên tôi không muốn góp phần thêm nữa. 

- Hình như nghệ sĩ thì phải “khùng” một chút  mới làm nên chuyện. Anh thì sao?

- Người làm công tác sáng tác cần giữ phần bản năng, cá tính và chất riêng của mình. Chữ “khùng” nếu hiểu theo góc độ này thì rất cần thiết.

- Người ta bảo các phim gần đây của anh là “đo ni đóng giày” cho những người đẹp nổi tiếng? Có khi nào câu chuyện anh tưởng tượng trong kịch bản bị ảnh hưởng bởi các người đẹp mà anh chọn không?

- Đúng. Dự án phim “Mỹ nhân kế” được xuất phát từ ý tưởng Thanh Hằng và Tăng Thanh Hà sẽ như thế nào khi đóng phim hành động và đối nghịch nhau. Với câu hỏi đó là cảm hứng cho tôi viết kịch này.

- Chắc anh chọn những cái tên như Thanh Hằng, Minh Hằng, Tăng Thanh Hà… là để kéo khán giả đến rạp rồi, vì họ vốn đã có lượng fan kha khá?

- Tôi cũng là fan của họ. Tôi yêu quý họ vì tôi thấy họ có khả năng, làm việc nghiêm túc.

- Thử tưởng tượng phim của Nguyễn Quang Dũng mà không có người đẹp, chân dài thì sẽ sao nhỉ?

- Thì sẽ có nhà báo hỏi “vì sao phim này của anh lại không có người đẹp và chân dài?”.

- Anh với Thanh Hằng và Minh Hằng có vẻ rất hợp nhau khi làm phim. Vậy ngoài đời thì sao?

- Khi làm phim chúng tôi hợp hơn vì cùng nhìn 1 hướng đó là kết quả bộ phim. Ngoài đời chúng tôi là bạn nhưng khi về nhà thì mỗi người một hướng.

- Anh có nghĩ rằng Thanh Hằng, xuất hiện quá nhiều trong phim của anh, đến một lúc nào đó sự hợp tác này cũng phải thay đổi. Vì dù cô ấy có diễn tốt đến mấy nhưng cứ thấy Quang Dũng là thấy Thanh Hằng thì cũng “chán”?

- Với phim này thì Thanh Hằng chỉ đóng vai thứ 3 trong phim tôi thì tôi nghĩ cũng chưa nhiều.  Tôi với Thanh Hằng còn tự tin khai thác những điều mới thì vẫn còn làm, lúc nào không tìm được gì mới thì sẽ ngưng hợp tác thôi. Thật ra khán giả họ xem phim cũng không quan tâm chuyện đạo diễn với diễn viên hợp tác bao nhiêu dự án đâu. Họ chỉ quan tâm phim đó có gì cho họ xem hay không, có tạo được sự hấp dẫn, cảm xúc cho họ không thôi.

- Các bộ phim của anh, đa phần có thể dùng từ “thành công”, ít nhất là ở khía cạnh doanh thu. Theo anh những yếu tố nào quan trọng để tạo nên sự thành công đó?

- Chân thành. Tôi chân thành với bản thân, với nghề nghiệp, với nhà đầu tư, với những người hợp tác và với khán giả.

- Thử nói về bộ phim đầu tiên đi, nó tiêu tốn bao nhiêu thời gian và công sức của anh?

- Bộ phim đầu tiên là dễ nhất vì lúc đó còn thừa năng lượng, có nhiều thứ ấp ủ. Càng làm thì càng khó, vì phải tránh những gì mình làm rồi và áp lực phải làm tốt hơn những cái trước.

- Bộ phim Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt của anh bị chê tơi tả. Điều đó có làm khó cho việc tìm nhà sản xuất, nhà đầu tư cũng như kéo khán giả đến rạp ở những bộ phim sau đó của anh?

- Bộ phim đó tuy không đạt doanh thu nhiều như những bộ phim sau này của tôi nhưng sau phim đó tôi được Galaxy, một nhà sản xuất đối thủ mời và trả lương cao.

- Anh nghĩ sao về cụm từ “phim thị trường” hiện nay? Sự so sánh giữa phim thị trường và phim nghệ thuật có nên  không?

- Với tôi phim nào có nhà đầu tư, có bán vé đều là phim thị trường hết. Chỉ có thị trường số đông, hay thể nghiệm một thị trường mới, hay thị trường một số đối tượng nào đó thôi.

- Người ta bảo anh là đạo diễn có mức cát xê cao nhất hiện nay, anh thấy thế nào?

- Tôi cảm thấy tự hào và cũng thấy trách nhiệm là phải làm sao cho xứng đáng khi được các nhà sản xuất thông báo điều đó.

- Giới showbiz vốn rất nhiều thị phi và cũng có phần thị phi là đúng. Anh có thấy thế không?

- Thị phi ở khắp nơi chỉ có làng giải trí thì dễ được chú ý, soi mói và bàn luận nhiều hơn. Và thị phi của làng giải trí giúp báo chí dễ khai thác để bán báo hơn, mà báo thì càng ngày càng đông, nên thị phi cũng càng nhiều hơn.

- Anh đã bao giờ vướng phải những rắc rối trong giới này chưa? Đố kị, ganh ghét, giành giật, đổi chác… chẳng hạn?

- Tôi không bao giờ muốn tự mình làm rối. Nên có khi có nhưng mình biết bỏ qua, biết lờ đi thì mọi việc nó sẽ đơn giản thôi.

- Bây giờ người muốn đóng phim ngày càng nhiều, vì phim ảnh dễ làm người ta nổi tiếng. Anh thấy sao?

- Điều đó làm chúng ta có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều lựa chọn thì sẽ thú vị hơn chứ. Tôi thấy nghề gì có nhiều người quan tâm, tham gia chứng tỏ nghề đó đang phát triển.

- Nghe nói ngày xưa anh rất dốt văn. Có phải cũng vì “cái bóng” của cha anh đã che chở anh ở con đường nghệ thuật?

- Lớp đạo diễn điện ảnh khóa 1 của trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM có tổng cộng 21 sinh viên, thì tôi là người ít tuổi nhất và duy nhất chưa có kinh nghiệm gì về điện ảnh. Có rất nhiều người cho là nhờ quen biết, nhờ là con của ông Nguyễn Quang Sáng nên người ta cho tôi đậu. Thật tình thì lúc đó tôi cũng nghĩ giống mọi người, chắc là may mắn, nhờ có “gốc” hoặc nhờ người ta thương mà cho tôi vào trường. Mà đến bây giờ tôi cũng vẫn chẳng tìm ra lí do nào hợp lí để chứng minh là mình có khả năng hơn người khác lúc thi vào trường. Tuy nhiên, giờ thì tôi nghĩ văn nhà trường và văn của điện ảnh khác nhau. Có lẽ tôi hợp văn của điện ảnh hơn văn nhà trường.

- Tôi có cảm giác anh luôn gặp may mắn, luôn vui vẻ, một cuộc sống tròn trịa. Hình như anh được cuộc đời ưu ái nhiều?

- Tôi cũng nghĩ mình may mắn. Và tôi luôn ý thức phải có trách nhiệm với những điều may mắn và tôi may mắn là không chờ vào sự may mắn và không đổ lỗi cho vận xui.

- Vậy nỗi buồn lớn nhất của anh đến thời điểm này là gì?

- Là tôi chưa được làm bộ phim mà kịch bản tôi đã ấp ủ từ năm 18 tuổi đến giờ. Tôi không đau khổ hay buồn chán, tôi vẫn chờ đợi.

- Anh có thể chia sẻ về bộ phim mới của anh, “Mỹ nhân kế”?

- Tôi muốn đây là 1 bộ phim có bề ngoài kiếm hiệp mãn nhãn nhưng nó có tầng ngầm cảm xúc về những vấn đề thời đại. Đó là một bộ phim cổ trang làm theo công nghệ 3D.

- Làm phim 3D có khác gì phim 2D? Theo anh thì phim 3D kỹ xảo quan trọng hơn hay nội dung phim quan trọng hơn?

- Nó cũng giống như bạn đang xây nhà 1 tầng còn bây giờ bạn phải xây nhà lầu và có cả tầng hầm. Nhưng quan trọng vẫn là nhà gì thì nhà khi người ta vào ở - có thấy phù hợp, thoải mái và yêu thích hay không.

- Với bộ phim này, anh có nghĩ mình có thể phá vỡ kỷ lục doanh thu mà mình tạo ra?

- Không phải nghĩ mà là mục tiêu là phải vượt qua vì kinh phí phim này rất cao. Nên để huề vốn thì nó cũng phải có doanh thu rất cao.

- Anh đã bao giờ nghĩ đến lúc mình bị cạn ý tưởng chưa? Vì không hẳn đạo diễn nào cũng biết điểm dừng để giữ ánh hào quang cho mình?

-  Có chứ. Các đạo diễn lớn thế giới hầu như ai cũng có những phim thất bại. Tôi sẽ không dừng làm nghề vì để giữ hào quang. Tôi chỉ dừng làm nghề khi không còn cảm xúc hoặc không có điều kiện để làm thôi. Vì xuất phát điểm tôi làm nghề không nghĩ đến chuyện hào quang, tôi nghĩ cố gắng làm được điều mình thích.

- Vậy khi “cạn ý tưởng” thì anh sẽ làm gì?

- Ý tưởng thì tôi có nhiều lắm, tôi lo mình không đủ thời gian và khả năng làm hết thôi. Tôi sẽ làm producer nếu tôi không làm đạo diễn nữa.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!