Đánh thức giác quan bằng kỹ thuật nguyên thủy

ANTĐ - Xuất hiện từ thuở khai sinh của nền nhiếp ảnh thế giới nhưng gần như bị quên lãng suốt 100 năm qua, chỉ dưới bàn tay của nhiếp ảnh gia Pipo Nguyễn Duy, kỹ thuật Cyanotype (in ảnh màu xanh đơn sắc) mới được đưa về Việt Nam. 
Đánh thức giác quan bằng kỹ thuật nguyên thủy  ảnh 1

Ám ảnh thị giác

Ý tưởng thực hiện bộ ảnh “Một chuyến đi khác” của Pipo Nguyễn Duy khởi đầu từ… 17 năm trước, năm 1998, khi anh là một trong những số ít những nghệ sỹ được mời lưu trú tại khu vườn của danh họa nổi tiếng Claude Monet tại Pháp. Thời điểm đó, Nguyễn Duy đã dành thời gian kiên trì sưu tập các mẫu địa chất, thực vật tại khu vườn huyền thoại này để làm chất liệu cho những bức ảnh đầy tính nghệ thuật - in ảnh màu xanh đơn sắc cyanotype. Được khám phá từ những ngày đầu của nhiếp ảnh thế giới bởi nhiếp ảnh gia William Fox Talbot, không ai nghĩ kỹ thuật “nguyên thủy” này lại tái tạo ra được những tác phẩm giàu tính tượng hình như vậy.

Theo giải thích của Pipo Nguyễn Duy, để làm được bức ảnh này, nhiếp ảnh gia dùng một tấm toan được tráng phủ một dung dịch chất cản quang, để các mẫu địa chất, thực vật lên trên bề mặt toan và cho tiếp xúc dưới điều kiện ánh sáng khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong ngày. Các khu vực tấm toan được che phủ thông qua tương tác ánh sáng sẽ dần dần để lại hình ảnh dưới dạng âm bản (màu trắng), còn phần nền khi bị ánh sáng mặt trời đốt trực tiếp sẽ tạo thành các cấp độ màu xanh khác nhau. 

Chỉ với hai màu trắng - xanh nhưng người xem như được nhìn thấy sự mỏng tang của những cánh hoa, sự mềm mại, phơ phất của những ngọn cỏ hay chi tiết hơn, đôi khi chỉ là cái bóng đổ của chúng, được tác giả xử lý bằng một kỹ thuật khéo léo và tinh tế đến không ngờ. Điều kỳ lạ khi chiêm ngưỡng những tác phẩm của anh, ta cảm nhận được sự lay động, sức sống trong trẻo của từng nhánh cây, ngọn cỏ dù chúng bị ép, bị “nhốt” trong một mặt phẳng đứng, giữa không gian hoàn toàn tĩnh tại. Cái đẹp tuy được tối giản hết mức, nhưng tự nó lại đủ để tạo nên sự cuốn hút, sự ám ảnh về mặt thị giác với người xem. 

Đánh thức giác quan bằng kỹ thuật nguyên thủy  ảnh 2

Quan sát những tác phẩm của Pipo Nguyễn Duy có thể thấy được sự chuyển động của cỏ cây, hoa lá

Có một Nguyễn Duy nổi danh về ảnh

Sinh năm 1962 tại Huế, Pipo Nguyễn Duy hiện đang sinh sống ở Ashland, Oregon, Mỹ. Anh là giảng viên, Trưởng khoa Studio Art tại trường Oberlin College, Mỹ. Nếu nhìn bên ngoài của Pipo Nguyễn Duy, ít ai biết được nghệ sỹ này sở hữu rất nhiều giải thưởng, học bổng cao quý của nước ngoài, trong đó có giải thưởng danh giá Guggenheim trong lĩnh vực nhiếp ảnh vào năm 2011, “giấc mơ” mà hiếm nghệ sỹ Việt Nam nào đạt được. Nổi tiếng và thành công nhất với thể loại nhiếp ảnh dàn dựng, tác phẩm của Pipo Nguyễn Duy đã được trưng bày và nằm trong nhiều bộ sưu tập không chỉ ở Mỹ, mà “tràn” sang cả châu Âu, Nam Mỹ và châu Á. 

Toàn bộ thời gian sinh sống và làm việc tại xứ người, người nghệ sỹ tự nhận chưa thạo tiếng mẹ đẻ này tâm sự anh ít có dịp về Việt Nam sáng tác. Nhưng một khi “hồi hương”, anh lại mải mê ôm máy đi chụp ảnh, trong đó nào là những cảnh đồng quê ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nào là sự thay đổi của các đô thị, sự tương quan giữa khu phố cổ với khu mới… Đặc biệt, theo Pipo Nguyễn Duy thì ánh nắng rất đẹp, rất nóng ở Việt Nam khơi nguồn cho anh ý thức làm những bức ảnh in xanh đơn sắc, mặc dù trước đây anh chưa bao giờ có ý định thực hiện ở quê hương mình.

Bằng con mắt quan sát tài tình, anh cho biết ở Việt Nam có rất nhiều loại thực vật đa dạng, lạ mắt, những cây lá rất rộng mà anh chưa từng được biết đến. Với cảm quan và sự kỳ vọng của một người vừa dạy học, vừa làm nghệ thuật, anh mong muốn được nhân rộng, được phổ biến và góp thêm những tác phẩm từ ảnh in xanh đơn sắc vào nhiếp ảnh Việt Nam. Và cũng nhờ Pipo Nguyễn Duy, lâu rồi người yêu nghệ thuật mới được chiêm ngưỡng những tác phẩm đủ khả năng đánh thức mọi giác quan, kỳ lạ thay, lại được sáng tạo bởi một kỹ thuật bị bỏ quên suốt 100 năm qua.