"Đánh thức" di sản lịch sử, hút mạnh du khách đến Hoàng thành Thăng Long

ANTD.VN - Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội với bề dày nghìn năm văn hiến vẫn lưu giữ những di tích vô giá. Nổi bật là Hoàng thành Thăng Long - quần thể công trình kiến trúc đồ sộ giữ trong mình những giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến “di sản thành tài sản”, làm sao để di sản kể câu chuyện thăng trầm nhằm thu hút du khách luôn được các nhà quản lý, những người làm du lịch đặc biệt quan tâm.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - điểm đến du khách không thể bỏ qua khi đến thăm Thủ đô Hà Nội

Mới đây, một đoàn khảo sát do Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cùng các doanh nghiệp lữ hành đã tiến hành khảo sát hiện trạng điểm đến tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long gồm: nội dung, hành trình hướng dẫn, cảnh quan; vệ sinh môi trường, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; thời lượng tour; nhu cầu, thị hiếu của khách… để tìm cách định hướng du khách đến với sản phẩm du lịch.

Phát huy giá trị di sản huy hoàng

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (gọi tắt là khu di sản Hoàng thành Thăng Long) có diện tích rộng hơn 18ha, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đây là Di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2010. Khu di sản bao gồm trục chính tâm Hoàng thành và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Trục chính tâm hiện còn 5 điểm di tích: Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội), Đoan Môn, Nền Điện Kính Thiên, Hâu Lâu và Chính Bắc Môn (Cửa Bắc).

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa vinh danh Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là 1 trong 7 “Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam”. Việc phát triển du lịch Hoàng thành và gắn với việc bảo tồn là điều hết sức cần thiết, nhằm đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam, khẳng định vị trí, vai trò của ngành Du lịch trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.

Bước chân vào Hoàng thành, du khách như được chở che bởi Đoan Môn hùng vĩ, với 5 vòm cổng. Quá khứ huy hoàng hiện ra, cửa lớn nhất Đoan Môn cao 4m, rộng 2,7m, xưa kia dành riêng cho Vua. Hai bên có 4 cửa nhỏ hơn, cao 3,8m rộng 2,5m để các quan, hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm khi có lệnh vời hoặc tham dự các nghi lễ lớn tại Điện Kính Thiên. Nhắc đến ngôi điện này cũng thật đáng tiếc, bởi trong chiến tranh, thực dân Pháp đã phá ngôi điện này năm 1886 để xây dựng Sở chỉ huy pháo binh.

Hiện nay, trên thực địa chỉ còn lại nền điện và bậc thềm rồng đá - được tạo tác năm 1467, gồm 3 lối lên xuống, đôi rồng ở giữa được làm từ đá nguyên khối. Rồng dài 5,3m, uốn 7 khúc và có 5 móng - biểu tượng cho quyền lực. Hai bên là đôi rồng cách điệu vân mây - biểu tượng cho vũ trụ và trời đất. Bậc thềm rồng phía sau được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XVII, thân rồng dài 3,7m. Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao lửa, cá hóa rồng… - đây là những hiện vật vô cùng quý giá, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, khi trải nghiệm không gian di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, du khách không chỉ tận mắt chứng kiến dòng chảy thời gian qua các loại hình di tích kiến trúc và di vật có niên đại xen lẫn, chồng xếp lên nhau qua suốt 1.300 năm, bắt đầu từ thời Đại La (thế kỷ VII-IX) đến triều đại nhà Nguyễn (1802-1945).

Một số hiện vật đặc sắc được tìm thấy khi khai quật như: ngói chữ nhật trang trí mặt linh thú thời Đại La (thế kỷ VII-IX); đầu ngói ống trang trí hoa sen, thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X); sấu đá, thời Lý (thế kỷ XI-XII), gốm sứ thời Lý - Trần tinh xảo với các loại men quý…

Trên thế giới rất hiếm có Thủ đô của một nước mà trong lòng đất có các tầng văn hóa nối tiếp nhau một cách khá liên tục như vậy. Một điểm thú vị, du khách có thể dừng chân tại đây múc giếng nước hoàng cung trong vắt uống và rửa mặt, ngắm hồ sen bình yên in sắc mây trời…

Đoàn khảo sát tiến hành khảo sát hiện trạng điểm đến tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Cần có lộ trình cụ thể trong khu vực tham quan

Ban quản lý Di tích cho biết, hiện đang có một số loại hình tour phục vụ du khách như: “Tour về nguồn” tìm hiểu Hoàng thành; “Tour trẻ em” gồm: Tour tham quan cho học sinh cấp II và cấp III; tour dành riêng cho học sinh tiểu học. Các doanh nghiệp tham gia chuyến khảo sát dự kiến sẽ có những buổi làm việc kỹ hơn để ra được lộ trình tour tuyến phù hợp với từng loại khách, từng khoảng thời gian… bởi Hoàng thành là khu vực rộng lớn mang nhiều giá trị quý báu.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist nhận định: “Khách du lịch đến một điểm du lịch đầu tiên là cần hình dung ra tổng quan của khu vực Hoàng thành thế nào. Nên chăng chúng ta nên có một sơ đồ Hoàng thành thật chi tiết”. Sơ đồ có vai trò quan trọng, đã làm du lịch ở một điểm đến cần có lộ trình cụ thể trong khu vực.

Ông Phùng Quang Thắng đặt câu hỏi và đưa ví dụ: “Lộ trình như thế nào cho phù hợp? Du khách người có 1 tiếng, người có 2 tiếng, người có 1 buổi trong ngày… sẽ có sự lựa chọn khác nhau về lộ trình. “Thường các doanh nghiệp phải thiết kế lộ trình trong điểm từ 1-2 tiếng”.

Du khách tới Hoàng thành hiện đang được tiếp cận với nhiều tiện ích: Hoàng thành mở cửa liên thông với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, phục vụ cây nước tự động, wifi miễn phí… và dự kiến sắp tới sẽ hoàn thiện phần mềm thuyết minh trên điện thoại thông minh (smartphone). Nhiều doanh nghiệp lữ hành hy vọng bài thuyết minh tại đây được chuẩn hóa, dịch sang nhiều ngôn ngữ, có thể ứng dụng tai nghe (headphone) hỗ trợ khách đoàn và khách lẻ để tăng tính hiệu quả khi truyền đạt thông tin.

Về việc gia tăng chi tiêu của khách trên dịch vụ, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty du lịch Vietrantour nói: “Tôi muốn đi từ sản phẩm, bởi sản phẩm bao giờ cũng là cầu nối đưa du khách tới điểm đến. Công ty chúng tôi có nguồn khách là các em học sinh ở các tỉnh thành. Hiện đang có một nội dung được quan tâm là lịch sử”.

Bà Nguyễn Thị Huyền băn khoăn: “Có thể đa dạng hơn nữa về sản phẩm du lịch Hoàng thành Thăng Long hay không? Nhất là các sản phẩm mang tính chất bổ sung kiến thức về các giai đoạn lịch sử khác nhau thông qua các hiện vật thì điều ấy rất tuyệt”.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đều nhất trí với ý kiến Hoàng thành chỉ cần làm thêm một chút là rất ổn. Ví như nên có dịch vụ quầy lưu niệm, postcard, sách, tài liệu, video… giúp du khách tìm hiểu kỹ hơn về di tích. Những quan tâm nhỏ cũng vô cùng cần thiết, điểm đến nên chuẩn bị cho du khách ô, cho dù mưa hay nắng du khách vẫn tham quan thuận lợi, họ sử dụng và khi ra về sẽ trả lại.

Đồng thời, nên tham khảo các mô hình mà một số điểm tham quan trên thế giới đã làm như điểm nghỉ chân cho du khách nghe thuyết minh; cho thuê trang phục truyền thống, trẻ em và những du khách quốc tế sẽ rất thích thú nếu được trải nghiệm mặc thử kiểu áo của các vị vua, hoàng hậu, công chúa… Việt Nam thời xưa.

“Hoàng thành Thăng Long có thể đem đến cho du khách rất nhiều thông tin hay, bổ ích. Song cần chọn ra những điểm đặc sắc nhất, nhấn mạnh và tạo nên ấn tượng đối với du khách trong quá trình tham quan. Tôi mong muốn các di tích Cách mạng trong Hoàng thành sẽ ngày càng hấp dẫn du khách. Hầm và nhà D67: Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là một dấu ấn quan trọng của lịch sử cách mạng, nối tiếp truyền thống văn hiến, anh hùng của Thăng Long - Hà Nội”.

Ông Nguyễn Quang Lân (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội)