Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới châu bản triều Nguyễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhân dịp kỉ niệm 5 năm Nhà Trưng bày Hoàng Sa khánh thành và hoạt động 28/3/2018, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa tổ chức triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới châu bản triều Nguyễn” nhằm tái hiện bức tranh chân thực về truyền thống vươn khơi bám biển của tiền nhân.

Triển lãm được chia thành 3 phần. Phần I: Vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng - Vị thế giao thương quan trọng thời Nguyễn. Phần II: Hoạt động đảm bảo an ninh vùng biển Đà Nẵng - Quảng Nam thời Nguyễn. Phần III: Thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn.

Triển lãm công bố lần đầu gần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê là những sử liệu tín thực góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử và nhiều thông tin giá trị tới công chúng.

Quang cảnh vùng biển Đà Nẵng (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia I)

Quang cảnh vùng biển Đà Nẵng (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia I)

Nhìn lại lịch sử, Đà Nẵng ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Viêt Nam. Giữa thế kỷ XVI, Đà Nẵng là tiền cảng trung chuyển hàng hóa, sửa chữa tàu thuyền nhưng sang thế kỉ XIX đã trở thành thương cảng lớn nhất miền Trung. Đà Nẵng vừa là tâm điểm của những chuyến hàng hải vừa là nơi diễn ra quan hệ ngoại giao không chính thức giữa triều đình Huế với các nước phương Tây. Đồng thời, Đà Nẵng là nơi “hải cương trọng địa”, có cửa biển “tối vi xung yếu”, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự, quốc phòng. Với vị thế đó, Đà Nẵng có vai trò đặc biệt về kinh tế, quân sự, quốc phòng dưới triều Nguyễn.

Pano trưng bày triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn”

Pano trưng bày triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn”

Bên cạnh đó, tiếp nối truyền thống vươn khơi bám biển, những binh dân thời Nguyễn đã không quản nơi đầu sóng ngọn gió, vượt vạn dặm hải lý đến với xứ Hoàng Sa. Câu chuyện về đội “hùng binh” hàng năm băng sóng vượt gió và sự quản lý vùng biển của nhà Nguyễn chính là lời khẳng định của tiền nhân về chủ quyền đối với quần đảo này.

Bản phụng dụ ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) của Hà Duy Phiên, Lý Văn Phức về việc ban thưởng cho các binh dân sai phái ra Hoàng Sa làm công vụ vì đã xông pha đường biển gian lao. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, châu bản triều Nguyễn.

Bản phụng dụ ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) của Hà Duy Phiên, Lý Văn Phức về việc ban thưởng cho các binh dân sai phái ra Hoàng Sa làm công vụ vì đã xông pha đường biển gian lao. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, châu bản triều Nguyễn.

Sau bao phen “biển động”, câu chuyện của tiền nhân với biển vẫn lưu dấu trên những trang sử liệu châu bản triều Nguyễn. Đó không chỉ là câu chuyện của lịch sử mà còn là sợi chỉ gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai, như ngọn hải đăng soi tỏ hải trình cho hậu thế.

Triển lãm được khai mạc vào 15h30 thứ sáu, ngày 24/3 tại nhà Trưng bày Hoàng Sa, đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.