NSND Trần Bình:
Đã đến lúc phải đầy tự trọng rồi!
(ANTĐ) - Gặp NSND Trần Bình khi ông đang tay năm tay mười, chỉ đạo chỗ này, chỉnh sửa chỗ kia để cái Không gian văn hóa Việt được khai trương vào hôm nay, 15-1. Điện thoại nóng liên tục, tóc tai bù xù xơ xác, Trần Bình thì than trời, nhưng khối người lại bảo ông sướng vì có được cái nhà hát ở một vị trí đắc địa, đẹp nhất nhì Hà Nội - Ngôi nhà Khai trí Tiến Đức 16 Lê Thái Tổ, nằm kề bên hồ Hoàn Kiếm thơ mộng.
Chương trình nghệ thuật “Đồng vọng kinh kỳ” mở màn cho không gian Việt mới tại Hà Nội |
Bắt đầu từ hôm nay, ngôi nhà Khai Trí Tiến Đức được xây từ thời Pháp - nơi vốn là chỗ dập dìu tài tử giai nhân thuở trước, cũng là nơi biểu diễn nghệ thuật của đất Hà thành cổ xưa sẽ được trở về với đúng nghĩa của nó. Bộ VH-TT-DL đã giao cho Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam quản lý ngôi nhà này với cơ chế tự chủ, tự trang trải.
NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam nói rằng sướng thì sướng thật vì bấy lâu nay, nhà hát mới có một địa điểm tử tế để làm nghệ thuật, gọi là Nhà hát nhưng vẫn chưa có “nhà để hát” theo đúng nghĩa. Bây giờ có địa điểm đẹp như thế này không mừng sao được, nhưng cũng lo lắm vì nhà hát là của tập thể chứ có phải của nhà mình đâu. “Nhà của tôi thì, trời ơi, nát bươm, tường loang lổ, nước đổ tứ tung, vợ tôi kêu um, nhưng cái nhà này thì tôi lại lo tới từng con ốc vít, từ việc nhỏ như cái đèn trang trí, đến lớn như thiết kế sân khấu, tôi đều làm tất. Gọi mấy nhà kiến trúc đến, họ bảo tư vấn 2 tỷ, tôi không yên tâm, họ có con mắt kiến trúc nhưng lại không có nghề về sân khấu, thế là tôi tự làm. Tôi sang Pháp, đến nhà hát của họ “copy” mang về nhà hát của mình. Có nhiều người cũng bảo tôi việc gì mà phải thế, cứ được đến đâu hay đến đó, tôi thì lại nghĩ khác. Cũng đã đến lúc phải đầy tự trọng rồi, không thể cứ như thế mãi được. Nhiều đơn vị còn khó khăn hơn họ còn làm được, mình có điều kiện, tại sao lại không bứt phá”.
- PV: Chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính trong tình hình kinh tế khó khăn và đời sống nghệ thuật như hiện nay, ông thấy mình có liều không?
- NSND Trần Bình: Đúng, đây là giai đoạn đầy khó khăn, nhưng tôi lại thích cái giai đoạn này vì có nhiều thách thức.
- Ông dự tính thế nào cho tương lai của Nhà hát?
- NSND Trần Bình: Thường thì các đơn vị nghệ thuật vẫn trông chờ vào đơn đặt hàng của Nhà nước, nhưng đơn đặt hàng thì cũng không nhiều, mỗi năm chỉ một vài chương trình. Trông chờ vào các nhà tài trợ thì ở Việt Nam mình chưa có truyền thống đó mà cái mặt tôi thì rất khó đi xin tiền. Nên tất cả chỉ trông vào nỗ lực bằng cách làm các chương trình thật hay, có kế hoạch bài bản, chuyên nghiệp và làm công tác maketing, PR thật tốt để sống bằng chính nghệ thuật thôi.
- Ông sẽ làm gì để biến địa điểm 16 Lê Thái Tổ thành “Không gian văn hóa Việt”?
- NSND Trần Bình: Ngôi nhà này đã được sửa chữa và cải tạo rất nhiều, gồm có hai khu trong nhà và ngoài trời. Khu biểu diễn trong nhà là khán phòng khoảng 300 ghế là nơi biểu diễn loại hình nghệ thuật đương đại và thính phòng. Phía bên tay trái giáp đường Hàng Trống là một galery để triển lãm các tác phẩm của các tác giả và cũng có thể tổ chức các buổi hội thảo, trên gác là nơi trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm là đồ thủ công mỹ nghệ. Còn khu ngoài trời là những sân khấu di động để biểu diễn các trích đoạn của các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, hát ca trù, hát văn, biểu diễn rối cạn…
- Vậy làm thế nào để “không gian Việt” luôn tấp nập người vào kẻ ra và “Nhà hát” thì sáng đèn hàng đêm?
- NSND Trần Bình: Nhà hát chỉ diễn một tuần hai buổi thôi, còn lại chúng tôi phải chọn lọc các đơn vị, các nhà hát bạn đăng ký suất diễn. Phải sáng đèn hàng đêm chứ, không thì sống thế nào được.
Đinh Hương Bình (Thực hiện)