Cuốn hồi ký "Chuyện những người An Nam ở Paris" của luật sư Phan Văn Trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trong cuốn hồi ký "Chuyện những người An Nam ở Paris", luật sư yêu nước Phan Văn Trường đã thuật lại tỉ mỉ câu chuyện về những trí thức Việt Nam từng bôn ba ở Pháp, để tìm con đường cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX.

Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933), quê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1912, ông cùng cụ Phan Chu Trinh sáng lập nên “Hội đồng bào thân ái”, Hội người Việt đầu tiên trên thế giới.

Ngày 12/9/1914, ông bị Thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao quân đội Cherche-Midi rồi bị đưa ra tòa án binh xét xử nhưng rồi được thả tự do vào 7/1915 nhờ sự vận động của hội Nhân quyền và Đảng Xã hội (Pháp) thời bấy giờ.

Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933)

Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933)

Năm 1918, ông tiếp tục con đường luật học và trở thành tiến sĩ luật hình đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1919, ông cùng các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thế Truyền viết Bản yêu sách 8 điểm gửi tới hội nghị hòa bình ở Versailles, trong đó Phan Văn Trường được coi là người chắp bút nên văn bản này.

Trong tác phẩm Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã thuật lại tỉ mỉ câu chuyện về những trí thức Việt Nam từng bôn ba ở chính mẫu quốc Pháp để tìm con đường hướng mới, cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX.

Theo tường thuật của ông, người đã sát cánh cùng nhiều nhân vật cách mạng như Phan Châu Trinh, Cường Để, Nguyễn Ái Quốc… người đọc sẽ hiểu rõ hơn hành trang của một số nhân vật lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, cũng như phần nào thấu suốt được lý do vì sao công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc phải chuyển sang một giai đoạn mới.

Để phần nào hiểu được những gì đã xảy ra trong quá khứ và lý giải những lựa chọn mà tiền nhân đã thực hiện, bạn đọc cần truy lại dấu chân của người đương thời, mà cụ thể là những trí thức Việt Nam từng bôn ba tại Pháp tìm đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Và cuốn hồi ký của Luật sư – Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường chính là tài liệu gần gũi và chân thực nhất, giúp độc giả yêu thích lịch sử tiếp cận với quan điểm cùng hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc của các bậc tiền bối.