“Cuộc phiêu lưu không định trước” có nhiều giá trị nhân văn
(ANTĐ) - Cường, cậu bé ham đá bóng luôn bị bố mắng đã quá hoảng sợ, bỏ nhà đi lang thang khi trót lấy trộm tiền của mẹ để đền tấm kính nhà hàng xóm bị vỡ. Trong chuyến đi “định mệnh”, cậu bé 14 tuổi đã gặp một người bạn bụi đời. Bình sống lang thang, vất vưởng do bố mẹ bỏ nhau, và 2 đứa trẻ nhanh chóng trở nên thân thiết, rủ nhau về sống chung... “mái nhà” trong một toa tàu hàng. Chuyến tàu chở hàng vô tình đưa Bình và Cường vào cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm.
Câu chuyện dẫn dụ người xem khá nhẹ nhàng, mang theo chút nhí nhảnh, ngẫu hứng của những đứa trẻ chưa thành niên, có thể nói phim gây được thiện cảm đối với người xem. Tuy nhiên số phận kịch bản phim của Trần Kỳ Trung lại khá long đong.
Đây là tác phẩm được ghi nhận trong cuộc thi viết kịch bản của Cục Điện ảnh tổ chức nhiều năm trước, là đề tài nóng, mang nhiều ý nghĩa xã hội, song khá... nhạy cảm vì động chạm đến bóc lột lao động trẻ em, bạo hành trẻ em, nên nhiều đạo diễn từ chối.
Đầu năm 2008, Hãng phim Truyện Việt Nam quyết định nhận kịch bản này làm phim cho Điện ảnh Chiều thứ bảy nhưng cũng phải tới tháng 5, “Cuộc phiêu lưu không định trước” mới được đưa vào kế hoạch sản xuất với điều kiện, tháng 8 phải xong.
Theo ê kíp làm phim, thời gian quá gấp để làm 5 tập phim, trong đó, bối cảnh bãi đào vàng vùng núi phía Bắc thường rất xa các trung tâm thôn xã, nếu chọn được địa điểm ưng ý khởi quay phim, phải đi bộ 3-4 ngày, rất nguy hiểm cho diễn viên, nhất là các cháu nhỏ. Biết vất vả thế song đoàn làm phim đúng tháng 7 vẫn cố gắng bắt tay làm bối cảnh những đoạn đầu tiên ở một bãi đào vàng tỉnh Hòa Bình.
Đạo diễn Hữu Mười cho biết: Cuộc phiêu lưu của Cường, Bình đưa đẩy 2 đứa trẻ đói khát phải ăn trộm ngô để tồn tại. Nhưng những lần ăn trộm tiền của mẹ đã khiến Cường day dứt, cậu bé tìm mọi cách ngăn cản Bình không được trộm nữa và bàn nhau đi làm để kiếm tiền.
Trớ trêu, Bình và Cường bị bắt ngay trong lần đầu tiên “làm việc” vì lực lượng công an nghi ngờ 2 cậu bé có liên quan đến bọn buôn bán ma túy. Sự lo sợ buộc 2 đứa trẻ tìm cách trốn khỏi nơi giam giữ và rồi những đắng cay cuộc đời tiếp tục đến với chúng khi Cường, Bình lại bị những kẻ buôn bán trẻ em lừa đem bán cho chủ bãi đào vàng.
Những tuần lao động khổ sở cùng các bạn đồng trang lứa, những trận đòn dã man của những tên cai, những bữa ăn chỉ ngô, khoai giúp Cường ngộ ra nhiều điều. Cậu ý thức hơn về cuộc sống gia đình yên ấm, về những bữa ăn ngon cha mẹ dành cho cậu, những buổi đến trường và cả những ân hận vì đã làm cha mẹ phiền lòng... Cũng theo đạo diễn Hữu Mười, dàn diễn viên nhí đã đóng đạt, thể hiện được sự hồn nhiên, cả sự láu lỉnh vốn có của trẻ.
Cuộc truy bắt bọn khai thác vàng trái phép, giải cứu các em nhỏ bị bắt cóc, bị đày đọa lao động khổ cực ở bãi đào vàng khép lại sự trở về của Cường trong vòng tay gia đình, được đi học, sau chuyến phiêu lưu không định trước. Bình cũng được bố mẹ Cường xin phép các cơ quan có trách nhiệm nhận về nuôi. Một cái kết có hậu thường thấy. Tuy nhiên qua bộ phim, các nhà làm phim muốn nói lên những điều khác.
Một cuộc sống hạnh phúc đã không hề đơn giản. Một sự chia tay, một sự rạn nứt trong gia đình sẽ khiến cuộc đời của những đứa trẻ mong manh hơn. Những bộn bề của cuộc sống, những ham hố kiếm tiền buộc con người ta mất nhân tính và làm những việc trái luân thường đạo lý cũng vô tình đẩy những đứa trẻ trở nên dễ tổn thương, manh động, dễ vướng vào những điều xấu hơn...
Cả nhiều tình tiết bị cho là nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, sự chăm lo, động viên và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với con trẻ, rất, rất nhiều bậc cha mẹ, đã quên, thờ ơ, đôi khi là áp đặt, chửi rủa, hành hạ trẻ, dẫn đến trẻ hoảng loạn, uất ức và có những hành vi không thể kiểm soát. “Cuộc phiêu lưu không định trước” xem tổng thể, không nhiều điều mới, song cách đạo diễn Hữu Mười thể hiện, nhiều nét có tầm.
Giữa lúc Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng chống bạo hành gia đình và trẻ em, chống bóc lột lao động trẻ em, nạn buôn bán, bắt cóc trẻ em, thì những góc nhìn nhân văn, những bài học từ giá trị cuộc sống, bảo vệ, định hướng và chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ vị thành niên một cách toàn diện, sẽ góp phần làm giảm những tác động tiêu cực đối với xã hội, hình thành nên nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh cho thế hệ tương lai có tri thức góp sức xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tươi đẹp hơn.
Bảo Lâm