Cửa mở chưa đủ rộng

ANTĐ - Sau giai đoạn đổi mới và mở cửa, đến nay Việt Nam đã phát triển tới ngưỡng của cải cách kinh tế. Muốn vượt qua ngưỡng này rất khó, thực ra không ít quốc gia đã không thể vượt qua. Việt Nam sẽ giậm chân tại chỗ nếu không có những đột phá để vượt qua ngưỡng này. Đó là nhận định của giới chuyên gia kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới trong chuyến thăm nước ta mới đây nhấn mạnh, tạo ra những điều kiện cần thiết để bảo đảm khu vực tư nhân chính là động cơ của đổi mới lần thứ hai, thúc đẩy năng suất, nâng cao hiệu quả và khôi phục tốc độ tăng trưởng nhanh.

Tại cuộc hội thảo về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến chỉ rõ, khu vực tư nhân chưa phát triển đúng tầm, gặp rất nhiều trở ngại. Tâm lý của các địa phương và các ngành lâu nay vẫn coi trọng, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với kỳ vọng tạo ra giá trị tăng trưởng kinh tế, lao động việc làm. Doanh nghiệp tư nhân hầu như bị bỏ quên, bị đối xử không công bằng trên một sân chơi không bình đẳng giữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tư nhân. Khu vực Nhà nước được hưởng sự độc quyền, trợ giúp và tiếp cận thuận lợi nguồn vốn, nguồn lực, những đặc quyền không dành cho tư nhân. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, ngay như hệ thống văn bản quy định ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đang được rà soát lại đã mất “hơn 1kg giấy”. Nếu thống kê hết cũng phải tới nửa mét khối, như mạng nhện. Rồi cơ chế xin-cho, nếu không xin được là mất cơ hội kinh doanh khiến không ít doanh nghiệp bỏ cuộc giữa chừng. Đáng lo ngại là, nhiều người làm chính sách chưa tin dân nên lúc nào cũng nghĩ phải quản lý, kiểm soát. Còn cách nghĩ “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp lại rất ít. Cũng theo vị Viện trưởng, quy định hiện hành đặt doanh nghiệp vào nhiều rủi ro. Chẳng hạn việc kinh doanh những ngành nghề ngoài giấy phép, khi bị cơ quan quản lý phát hiện, ít nhất cũng bị xử phạt hành chính. Nặng hơn thì bị ghép vào tội kinh doanh trái phép.

Mặc dù ghi nhận những sửa đổi, bổ sung của luật mới, song giới doanh nghiệp lo ngại những sửa đổi đó không đi cùng chiều với hệ thống thực thi, mang lại hiệu quả. Tình trạng luật chồng chéo, giẫm chân lên nhau khiến doanh nghiệp tư nhân không biết đường nào mà lần. Họ vừa làm vừa lo có thể bị “thổi còi” bất cứ lúc nào. Môi trường kinh doanh như vậy tạo sự lạm quyền của người thực thi pháp luật ở tất cả mọi tầng nấc. Doanh nghiệp kêu nhiều về tình trạng cơ quan quản lý “hiểu luật một cách khác nhau”, do đó có quyền vận dụng khác đi, gây khó cho doanh nghiệp. Có thể nói, “cánh cửa” cho doanh nghiệp tư nhân đã mở từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa đủ rộng, thông thoáng.