Công thư 1958 không đề cập đến Hoàng Sa

ANTĐ - Công thư 1958 không đề cập đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và điều đó phù hợp với thực tế lịch sử.

Ông Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo

Việt Nam đã có lịch sử khai phá, hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17
Chiều nay (23/5) Bộ Ngoại giao đã tổ chức thêm cuộc họp báo quốc tế về tình hình biển Đông.

Đây là lần thứ 3, Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Hai cuộc họp báo quốc tế trước đó được tổ chức vào ngày 7/5 và 17/5.
Tham dự buổi họp báo có Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Đỗ Văn Hậu; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia Trần Duy Hải; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Ngô Ngọc Thu; Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình; Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Thanh Hà.
Mở đầu, ông Lê Hải Bình phát biểu: Dù Việt Nam thể hiện thiện chí nỗ lực tìm mọi biện pháp hòa bình, tận dụng mọi cơ hội kênh đối thoại để giải quyết nhưng Trung Quốc vẫn duy trì, gia tăng tàu, có tàu quân sự nhằm uy hiếp đe dọa lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, Trung Quốc liên tục vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam về tình hình ở Biển Đông, đưa ra luận điệu sai trái về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ theo quy định luật pháp quốc tế. 

Một video clip dài 3 phút về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam được ban tổ chức trình chiếu. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng cung cấp nhiều tài liệu pháp lý về vấn đề chủ quyền biển đảo bằng cả tiếng Việt, Trung, Anh.
Công thư 1958 không đề cập đến Hoàng Sa ảnh 2
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau đó điều cả trăm tàu các loại đến bảo vệ giàn khoan đâm va, phun nước vào tàu Việt Nam

Ông Hải khẳng định, Việt Nam đã có lịch sử khai phá, hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17, có dân sinh sống ổn định, không bị tranh chấp bởi bất cứ quốc gia nào. Cựu Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Liễu cũng đã xác định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo sau đó, không vấp một sự phản đối nào của các nước.
Sau kháng chiến chống Pháp, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp nhận việc đảm bảo thực thi chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo nào. Tại hội nghị Giơnevơ, Trung Quốc biết những thỏa thuận này và đã chấp hành.
Thực tế, việc dùng vũ lực của Trung Quốc để chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ông Hải khẳng định là vi phạm luật pháp quốc tế.

Công thư 1958 không đề cập đến chủ quyền lãnh thổ

Về công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, ông Trần Duy Hải phân tích văn bản này không đề cập đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và điều đó phù hợp với thực tế lịch sử. Các quần đảo nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa do Pháp chuyển giao năm 1956 phù hợp với Hiệp định Geneve.

Ông Trần Duy Hải cho biết Việt Nam luôn tôn trọng vùng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Tuy nhiên, công thư không đề cập đến chủ quyền lãnh thổ hay vấn đề Hoàng Sa, do đó, công thư không có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể thời điểm được gửi cho Trung Quốc, khi đó Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo Hiệp định Geneve, Trung Quốc là bên tham gia.

"Bạn không thể cho người khác cái bạn chưa có. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị gì với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa hay Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc", ông Hải khẳng định.

Ngày 24/9/1975, khi trao đổi với Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn, ông Đặng Tiểu Bình - Phó Thủ tướng Trung Quốc thời đó - đã nêu rõ việc Trung Quốc có vi phạm dẫn đến tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.
Ông Hải khẳng định, Trung Quốc không có bất cứ chứng lý nào chứng minh chủ quyền đối với 2 quần đảo của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam có truyền thống và có mọi chứng lý lịch sử để chứng minh chủ quyền của mình. Việt Nam đã sử dụng, khai thác ổn định trên 2 quần đảo này, trong đó có việc khai thác dầu khí.
Hành động của Trung Quốc là âm mưu bành trướng bằng việc biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp để dần hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông của mình.

Cung cấp thông tin về hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam

Tiếp đó, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) nói rõ hơn quá trình thăm dò khai thác hợp pháp dầu khí của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã triển khai thăm dò trên toàn lãnh thổ từ cuối 1950, đầu những năm 1960. Chính quyền miền Nam triển khai cuối những năm 1960, đầu 1970. Cuối 1969, chính quyền miền Nam đã khảo sát.

Tất cả hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của PVN và đối tác đều thực hiện trong khuôn khổ giới hạn, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không có bất cứ lô dầu khí nào ngoài vùng thềm lục địa, được tiến hành bởi PVN và nhà thầu quốc tế được quốc tế công nhận.

Hoàng Sa từ thời miền Nam Việt Nam đã khảo sát địa chấn. Gần đây tiếp tục khảo sát, được tiến hành khẩn trương, tích cực cùng nhà thầu nước ngoài. 

Từ năm 1996, sau khi quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS),  hoạt động dầu khí chỉ thực hiện trong vòng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Phía Việt Nam đã ký 99 hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài. 30 mỏ đang được khai thác trong vùng thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được quốc  tế công nhận. 

"Các đối tác nước ngoài đều hoạt động bình thường từ rất lâu. Chúng tôi phản đối các hành động của Trung Quốc", ông Hậu nói.