Công nghiệp phụ trợ chậm phát triển

ANTĐ - Được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam nhưng công nghiệp phụ trợ vẫn ì ạch, chậm phát triển mặc dù Chính phủ có nhiều chính sách ưu tiên. Khả năng đáp ứng của ngành công nghiệp phụ trợ còn rất hạn chế, nhất là việc sản xuất linh kiện, phụ kiện đòi hỏi tính chính xác cao.

Công nghiệp phụ trợ chậm phát triển ảnh 1
Giá trị gia tăng sản phẩm phụ thuộc vào ngành công nghiệp phụ trợ

Tỷ lệ nội địa hóa thấp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, đến nay, công nghiệp phụ trợ cung cấp cho ngành xe máy được coi là thành công nhất vì đã hình thành một hệ thống các nhà cung cấp với hàng trăm doanh nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa ngành này đã đạt từ 85-90%. Hầu hết các linh kiện của xe số, kể cả linh kiện động cơ đều đã được sản xuất trong nước. Trái ngược với bức tranh sáng này thì ngay trong ngành công nghiệp cơ khí, việc sản xuất linh kiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất thiết bị đồng bộ, trong nước mới tham gia được 20%. 

Với ngành công nghiệp điện - điện tử, ông Tú thẳng thắn đánh giá, mặc dù ngành này khá phát triển nhưng công nghiệp sản xuất linh phụ kiện điện tử vẫn chưa có bước đi tương xứng. Sản xuất linh phụ kiện điện tử chỉ chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư của ngành, không đủ để cung ứng cho lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng chiếm 67% và điện tử chuyên dụng chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Các doanh nghiệp điện tử có mặt tại Việt Nam phần lớn là lắp ráp, tích hợp các thành phần tạo thành sản phẩm cụm linh kiện, trên cơ sở nhập khẩu các sản phẩm điện tử cơ bản như: bảng mạch, các linh kiện bán dẫn... 

Tương tự, với ngành xuất khẩu mũi nhọn như dệt may và da giày, toàn bộ máy móc, thiết bị sản xuất hiện nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Về nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nhiều kỳ vọng đang đặt vào thời điểm năm 2015, khi nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng), công suất 160 nghìn tấn/năm và nhà máy sản xuất xơ Fomusa (Đài Loan) tại khu công nghiệp Nhơn Trạch, công suất 60.000 tấn/năm đi vào hoạt động. Khi ấy, sản xuất xơ trong nước sẽ đáp ứng được 80-90% nhu cầu xơ của ngành dệt may. 

Vì những con số rất khiêm tốn trên đây mà ông Daiken Murakami - Tổng giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, đầu tư tại Việt Nam thì thách thức lớn là công nghiệp phụ trợ. Đại diện phía Nhật Bản cũng cho biết thêm, lợi ích của công nghiệp phụ trợ là mang lại giá trị gia tăng cao. Khi Việt Nam chưa phát triển công nghiệp phụ trợ thì doanh nghiệp Việt Nam không thể thu được lợi nhuận nhiều. 

Chính sách nhiều nhưng hiệu quả chưa cao

Vì đây là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt nên thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt hàng loạt chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ. Đáng chú ý Chính phủ đã chỉ đạo thành lập các khu công nghiệp chuyên sâu tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp hỗ trợ... Tuy nhiên, kỳ vọng phát triển vào lĩnh vực này vẫn chưa thành hiện thực. 

Theo ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), Việt Nam có thể đầu tư công nghệ cao để đáp ứng 80% phụ tùng sản xuất, lắp ráp ô tô, nhưng doanh nghiệp lại ngại ngần khi đầu tư. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chính sách vốn vay và lãi suất chưa thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong khu vực. Hiện có nhiều chính sách được các bộ, ngành đưa ra hỗ trợ ngành công nghệ cao nhưng vẫn nằm trên giấy, việc thực thi rất khó. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, nhưng lại băn khoăn về sự bất ổn của chính sách và thủ tục hành chính rườm rà. 

Ở nhiều nước trong khu vực, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ rất cụ thể. Chẳng hạn như tại Malaysia, nếu doanh nghiệp nào nội địa hóa được 50% thì thuế giảm đi 5%. Người dân, doanh nghiệp nào mua xe của Malaysia sản xuất, kể cả doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Malaysia thì được vay vốn ưu đãi 3% đến 4%. Ngược lại, nếu mua xe nhập ngoại thì phải vay vốn với lãi suất cao đến 16-17%. “Tại sao Việt Nam không làm được điều này?”- ông Huyên thắc mắc.