Công khai nợ công và những nỗi lo có thật

ANTĐ - Từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, vấn đề nợ công của quốc gia đang được nhân dân quan tâm đặc biệt. Không chỉ ở diễn đàn Quốc hội, vấn đề nợ công là đề tài chất vấn Chính phủ sát sao và quyết liệt nhất. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ chủ trương công khai nợ công không chỉ trong diễn đàn Quốc hội mà cả trong dư luận. Nợ công chúng ta tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn song vẫn còn đó nhiều những nỗi lo.

Minh họa: Internet

Công khai kế hoạch vay và trả nợ quốc gia năm 2014

Đồng hồ nợ công thế giới của tạp chí The Economist ngày 27-3 vừa qua đã điểm nợ công của Việt Nam vượt con số 80 tỷ USD, với tổng dư nợ cả năm tăng 11,2%, chiếm 48% GDP. Tính trên dân số 90,535 triệu người, mỗi người Việt hiện đang gánh trên vai trung bình 887,51 USD, tương đương gần 20 triệu đồng/người. Tổng số nợ công này của chúng ta hiện thấp hơn giới hạn cho phép được Quốc hội thông qua là 50% GDP. Để đảm bảo nhu cầu hoạt động của Chính phủ và mục tiêu tăng đầu tư công, ngày 8-4 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ trong năm 2014. 

Trong kế hoạch này, chúng ta đã công khai trách nhiệm trả các khoản nợ vay đáo hạn, đặc biệt với các khoản vay ngoài nước. Theo đó, Thủ tướng đã quyết định kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2014 là 208.883 tỷ đồng, bao gồm trả nợ trong nước là 159.683 tỷ đồng, trong đó, phần chi trả nợ trực tiếp từ nguồn ngân sách Nhà nước là 92.323 tỷ đồng và thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn. Trả nợ nước ngoài là 49.200 tỷ đồng, trong đó, nghĩa vụ trả nợ của các chương trình, dự án được cấp phát từ ngân sách nhà nước là 26.427 tỷ đồng và chi trả nợ của các khoản vay về cho vay lại là 22.773 tỷ đồng. Ngoài các khoản vay trực tiếp, Chính phủ còn bảo lãnh cho các doanh nghiệp, các dự án được vay tín dụng ngoài nước. Tuy nhiên để lập lại trật tự trong lĩnh vực bảo lãnh vay nợ nước ngoài, Thủ tướng đã phê duyệt hạn mức vay được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung dài hạn nước ngoài của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả.

Bộ Tài chính là đơn vị được Chính phủ giao cho chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ, hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2014. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng đề án tăng cường công tác quản lý và xử lý rủi ro về nợ công của Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan rà soát các dự án BOT đang đàm phán, các dự án đầu tư trọng điểm, các dự án FDI lớn và các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng được Chính phủ cam kết đảm bảo cho các nhà đầu tư để giám sát mức vay nước ngoài và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đảm bảo nợ nước ngoài của quốc gia đến năm 2020 không vượt quá 50% GDP như chỉ tiêu Quốc hội đã phê duyệt.

Vẫn còn đó nỗi lo

Có thể thấy, hiện nay dù nợ công chúng ta chưa đến giới hạn nguy hiểm, mặt khác, với sự bền vững của nền kinh tế, khả năng trả nợ của chúng ta khá ổn định, tuy nhiên vì mục đích phát triển, chúng ta cũng không nỡ để lại cho thế hệ sau những khoản nợ khổng lồ. Và quan trọng, nỗi lo về nợ công vẫn canh cánh trong long mỗi người dân. 

Nỗi lo lớn nhất, không phải là khả năng trả nợ mà là hiệu quả của các khoản vay. Trong tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được giải quyết triệt để, với mỗi khoản vay, nỗi lo bị hao hụt lại tăng lên. Không chỉ tham ô lãng phí, các khoản vay kém hiệu quả kiểu như các dự án xi măng, các dự án đóng tàu, cảng biển và cả các dự án đường sắt với những vụ án và cả những nghi án hối lộ cũng làm dư luận bức bối. Thêm nữa, việc xử lý trách nhiệm cán bộ trong các vụ việc thất thoát tài sản, đầu tư kém hiệu quả cũng chưa rõ ràng, chưa quyết liệt cũng làm dư luận bớt tin tưởng vào các kế hoạch của Chính phủ. 

Nỗi lo thứ hai là nỗi lo về các khoản đầu tư công mới. Ngoài dành phần lớn đầu tư công cho các dự án hạ tầng, dư luận đang mong mỏi một dự án kích cầu tiêu dùng để cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước thoát khỏi suy thoái. Trong danh mục và cả trong chính sách tài khóa, dư luận chưa thấy một khoản chi nào cho mục tiêu này. Liệu có một sự mất cân đối nào đó đã xảy ra trong đầu tư công cũng như chi tiêu ngân sách? Vấn đề này chỉ có thể giải quyết được ở Quốc hội, nhưng người đề xuất đương nhiên phải là Chính phủ. 

Nỗi lo thứ ba là tốc độ tăng nợ công. Đáng chú ý, chỉ tính từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2014, thống kê cho thấy, nợ công Việt Nam đã tăng thêm tới 9,887 tỷ USD, tương đương trung bình gần 700 triệu USD/tháng, tăng thêm gần 100 USD/người. Với tốc độ này, khả năng được vay nợ của Chính phủ trong những năm tới giảm đáng kể. Và liệu chúng ta lại có những cuộc tranh luận về nâng trần nợ công như đã từng xảy ra ở Quốc hội Mỹ trong những tháng qua? 

Vừa rồi, nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói về những nguồn thu không đưa vào ngân sách như xổ số, một số loại phí, lại nói tới những nguồn có thể huy động qua các hình thức BT, BOT dư luận cảm thấy có vẻ ngân sách đã không được quản lý chặt chẽ. BT, BOT hay các nguồn quỹ tương tự như xổ số cũng là nguồn lực quốc gia, cũng có cùng nguồn gốc từ đất, từ tài nguyên, phung phí như không phải đi vay, đi xin làm dư luận lo lắng. 

Với việc Chính phủ chủ trương công khai nợ công công bố kế hoạch vay và trả nợ công năm 2014, chúng ta đều hy vọng những nỗi lo sẽ biến mất trong thời gian tới.