Cộng đồng phải cùng lên tiếng đẩy lui

ANTĐ - Để ngăn chặn bùng phát các hành vi bạo lực của giới trẻ, xuất phát từ xích mích gia đình, láng giềng, bạn bè dẫn tới đánh nhau, đâm chém… TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định, cần sự lên tiếng của cả cộng đồng.

- PV: Tiến sĩ đánh giá thế nào khi phần nhiều những vụ ẩu đả nghiêm trọng trong dịp Tết vừa qua đều do thanh thiếu niên gây ra?

- TS Nguyễn Tùng Lâm: Phải khẳng định đây là hành vi thể hiện lối sống bạo lực không lành mạnh, đáng báo động. Thủ tướng đã phải lên tiếng thì không thể xem thường và phải có giải pháp tổng hợp. Theo tôi, đây là cách hành xử thiếu văn hoá, chỉ vì sĩ diện, bất chấp tính mạng bản thân và người khác, lao vào ẩu đả, thí mạng, rất vô ý thức. Để giải quyết, chúng ta phải tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này một cách thấu đáo.

- Trong các nguyên nhân, chắc chắn phải nhắc tới giáo dục trong trường học. Ông có hài lòng về kết quả giáo dục đạo đức của học sinh, sinh viên hiện nay?

- Nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực nói trên theo tôi đến từ giáo dục của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Về phía nhà trường, hiện nay, có thể thấy các trường đã hết sức cố gắng không để xảy ra bạo lực trong nhà trường và đã giảm thiểu được tình trạng này nhưng để bằng lòng thì chưa. Theo tôi, những giá trị yêu thương, tôn trọng, khoan dung… không chỉ là những bài giảng đơn thuần mà phải được nhắc đi nhắc lại dưới nhiều hình thức, xuyên suốt các năm học để mỗi năm các em lại ngấm một chút. Từ đó mới có thể chuyển hoá thành thói quen, kỹ năng ứng xử, tạo phông văn hoá, lối ứng xử văn minh. Điều này thì trường học chưa làm được, có nơi vẫn nặng về hình thức.

- Ông có đề xuất gì để ngăn chặn hiệu quả tình trạng bạo lực này?

- Có thể thấy nhiều gia đình, kể cả khá giả về kinh tế đang khoán trắng cho nhà trường việc giáo dục con em mình, trong khi vai trò, vị thế của các mối liên kết gia đình là yếu tố rất quan trọng để hình thành nhân cách thế hệ trẻ. Các gia đình cần dành nhiều thời gian, tình cảm cho con em mình là điều tôi muốn nhấn mạnh. Ngoài ra, những hành vi diễn ra trong cộng đồng phải có sự định hướng của cộng đồng. Cần lên án những hành vi xấu một cách thường xuyên. Đó là trách nhiệm của mọi người trong cộng đồng. Đừng để những người nghiêm túc thành số ít. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật phải cương quyết, nghiêm túc. Những người không tôn trọng, vi phạm pháp luật phải bị phạt thật nặng. Nếu làm được như vậy, tình trạng bạo lực trong ngày lễ, ngày Tết hay nạn chen lấn, xô đẩy, cướp giật trong các lễ hội văn hóa truyền thống hiện nay chắc chắn sẽ giảm...