Công an Thủ đô và hành trình hướng tới chuyển đổi số quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của lực lượng Công an Thủ đô.

“Chiến dịch” tiếp nối “chiến dịch”

Tại các cuộc họp giao ban, hội nghị về nội dung đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân (CAND), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an đã nhiều lần khẳng định, giai đoạn 2020-2021, lực lượng CAND đã hoàn thành Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD) đã khẳng định rất rõ vai trò và trách nhiệm của lực lượng Công an. Những “chiến dịch” không quản ngày đêm hoàn thành dữ liệu dân cư, cấp CCCD gắn chíp. Thành công của 50 triệu thẻ CCCD được cấp trong những ngày tháng ấy được đánh đổi bằng rất nhiều công sức của cán bộ, chiến sĩ công an, trong đó có lực lượng Công an Thủ đô.

Bước vào Đề án 06, các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn và cũng chưa có tiền lệ, đòi hỏi người cán bộ Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội không cho phép có một phút giây trùng xuống. Qua đó, khẳng định rõ sự cống hiến của lực lượng Công an đối với đất nước, khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện phát triển như hiện nay.

Thực hiện đúng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công an, Công an Hà Nội thông qua chỉ đạo của lãnh đạo các cấp đã có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án 06 xuyên suốt theo 4 cấp Công an. Theo đó, bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, thông báo đầy đủ mã số định danh cho công dân, triển khai cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện, gắn với cấp tài khoản định danh điện tử, tài khoản ngân hàng để thực hiện các tiện ích của Đề án. Đây lại được xem là mệnh lệnh chiến đấu, kỷ luật công tác của lực lượng Công an.

Chúng tôi đã có những ngày “chiến đấu” như thế!

Thời điểm này, cán bộ, chiến sĩ Công an các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố không ngừng hướng dẫn nhân dân cài đặt ứng dụng VneID - 1 trong 7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi những giấy tờ này hết giá trị sử dụng.

Chỉ huy Phòng Cánh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) cho biết, đây là một trong những nhóm việc nằm trong cao điểm 90 ngày đêm triển khai các giải pháp đảm bảo việc hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo kế hoạch, trong 90 ngày cao điểm, Công an các quận, huyện, thị xã tập trung cấp CCCD; đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” theo chỉ tiêu đề ra; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; cấp tài khoản định danh điện tử, xác thực tài khoản định danh điện tử… Tết Nguyên đán Quý Mão cận kề cũng là thời gian cho những “chặng nước rút” cuối cùng để “về đích”.

Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội chia sẻ, áp lực của những ngày cuối cùng lại khiến mỗi người cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH nhớ lại những ngày đầu năm 2022 khi bắt đầu thực hiện Đề án 06. Áp lực chỉ tiêu, thời gian, tiến độ hoàn thành khiến cán bộ, chiến sĩ quay cuồng với CCCD, số hóa dữ liệu, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.

Những tổ công tác cấp CCCD lưu động khắp nơi, từ trường học, khu công nghiệp đến các trung tâm dưỡng lão, thậm chí là gia đình người dân. Quận, huyện, thị xã làm không xuể thì Phòng cũng phải tăng cường hỗ trợ. “Có những ngày, một dây máy lưu động chúng tôi chỉ thu được 2 trường hợp đủ biết khó khăn như thế nào trong công tác cấp CCCD gắn chíp. Không thể chùn bước, dữ liệu công dân phải được thu thập đầy đủ, chuyển vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới đáp ứng được mục tiêu của Đề án 06” - Thượng tá Nguyễn Bá Ngự, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm chia sẻ.

Công an Hà Nội tận tình hướng dẫn nhân dân cài ứng dụng VNeID - một trong những ứng dụng quan trọng hướng tới mục tiêu công dân số

Công an Hà Nội tận tình hướng dẫn nhân dân cài ứng dụng VNeID - một trong những ứng dụng quan trọng hướng tới mục tiêu công dân số

Vì một quốc gia số trong tương lai

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Chuyển đổi số giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Từ khi Đề án 06 được phê duyệt và Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án 06 đến nay, Tổ công tác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, cụ thể, thiết thực, rất đáng trân trọng, khẳng định việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Người dân, doanh nghiệp dần nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

Dịch vụ công trực tuyến triển khai trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. 6 tháng đầu năm 2022, đã có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4 đúng lộ trình Đề án 06. Riêng Bộ Công an đã hoàn thành mức độ 3, 4 đối với 187/224 dịch vụ công của toàn ngành Công an. Trong đó, nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân, điển hình như việc cấp hộ chiếu trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã của Bộ Công an…

Việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, từng bước hình hành các cơ sở dữ liệu lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương và 4 doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức đoàn thể xây dựng cơ sở dữ liệu về hội viên, đoàn viên... Tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ứng dụng công dân số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ Công an đã cấp trên 67 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử; đồng thời, bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước tích hợp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, thẻ ATM rút tiền tại ngân hàng, sử dụng thẻ căn cước để kiểm soát an ninh, an toàn các sự kiện lớn...

Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18-7-2022, bước đầu hình thành hệ sinh thái công dân số. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, bảo vệ bí mật cá nhân cũng được quan tâm, chú trọng hơn… Hành trình để có được những thành tựu ấy vẫn đang tiếp diễn dù ngoài kia, Tết cổ truyền đã cận kề.