Triển khai Đề án 06 - Trách nhiệm và vinh dự thể hiện sự cống hiến của lực lượng CAND đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiều 17-8, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06/CP theo chức năng của lực lượng CAND.

Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06 Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Trưởng thành cùng Đề án 06

Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 06 trong CAND.

Đại tướng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đại tướng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ ý nghĩa quan trọng của hội nghị, đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm to lớn của lực lượng CAND đối với Đề án 06. Đây là trách nhiệm, vinh dự, đồng thời là cơ hội thể hiện sự cống hiến của lực lượng CAND đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Đánh giá đến thời điểm hiện tại, khối lượng công việc cảm giác không còn nhiều nhưng thực chất khó khăn hơn trước rất nhiều, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu không chỉ phấn đấu làm xong dữ liệu mà phải thường xuyên bổ sung dữ liệu. “Dữ liệu chưa được “sạch” hay một người chưa làm thì cũng ảnh hưởng tới cái chung. Hơn thế, trên nền tảng này, các đơn vị phải xây dựng trung tâm dữ liệu lớn của ngành Công an và trung tâm dữ liệu lớn của quốc gia”, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, và khẳng định, qua trình thực hiện Đề án 06, lực lượng CAND trưởng thành lên rất nhiều.

Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cấp căn cước công dân lưu động tại các phường
Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cấp căn cước công dân lưu động tại các phường

Chia sẻ những khó khăn, vất vả của Công an các đơn vị, địa phương, nhất là CBCS ở cơ sở trong xây dựng Dự án dân cư và căn cước công dân (CCCD) cũng như quá trình thực hiện Đề án 06 từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, quá trình chuyển đổi bao giờ cũng rất vất vả, khó khăn, nhất là chuyển đổi số thì càng khó khăn hơn vì đây là vấn đề chưa có tiền lệ, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Những khó khăn, vất vả, công sức của lực lượng CAND trong hơn 2 năm qua đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận xứng đáng.

Chỉ rõ những phần việc thuộc trách nhiệm của lực lượng Công an vẫn còn đang cần được giải quyết, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: “Các nhiệm vụ phía trước còn rất lớn, yêu cầu của Chính phủ và nhân dân đặt ra đối với chúng ta là phải tiếp tục phát huy cao độ giá trị của dữ liệu dân cư và CCCD để phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo các mục tiêu cụ thể đã được xác định trong Đề án 06, trước mắt là hoàn thành các mục tiêu của năm 2022, tạo nền tảng cho các năm tiếp theo”.

Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án 06 cũng như những phần việc, trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị tập trung đánh giá sâu về công tác làm sạch dữ liệu dân cư và duy trì bổ sung, cập nhật dữ liệu; việc trả CCCD, thông báo mã định danh cá nhân, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân…chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, gắn trách nhiệm của các cấp Công an và triển khai các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” bền vững, lâu dài; gắn với nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng phục vụ phòng, chống tội phạm; đảm bảo tiến độ việc thực hiện mục tiêu bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023 theo Luật Cư trú sửa đổi.

Yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá tiến độ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến của lực lượng CAND, đồng chí Bộ trưởng cũng đã đặt ra nhiều vấn đề. Đó là công tác số hóa hồ sơ giải quyết để thực hiện mục tiêu người dân chỉ khai báo 1 lần với cơ quan Nhà nước, việc điều chỉnh các quy trình điện tử đã thuận tiện hay chưa?; cán bộ đã thành thạo thao tác dịch vụ công để hướng dẫn người dân hay chưa?; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và triển khai các giải pháp, điều kiện bảo đảm hoàn thành cung cấp 227 dịch vụ công trực tuyến của lực lượng CAND trong năm 2022, gắn với nâng cao tỷ lệ người dân được thực hiện cụ thể như thế nào?. Bộ trưởng Tô Lâm xác định: đây là những nội dung quan trọng, thể hiện sự tiên phong, gương mẫu đi đầu của lực lượng CAND.

Về nội dung các điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, đường truyền, bảo mật, kinh phí, phương tiện, nguồn nhân lực…, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị cần đánh giá kỹ để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 trong lực lượng CAND.

Bên cạnh đó, đánh giá vai trò thường trực của Trưởng Công an 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trong tham mưu với Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Đề án 06 tại địa phương; mối quan hệ phối hợp với từng ngành ở địa phương, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông trong thực hiện Đề án 06.

Nhìn thẳng, tháo gỡ vướng mắc

Điều hành tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 06 trong CAND thẳng thắn nghiêm túc làm rõ trách nhiệm, những vướng mắc, bất cập để tháo gỡ, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, đột phá để khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu và gợi mở các ý kiến tham luận cần tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: Vấn đề pháp lý; nhóm an ninh, an toàn và kết nối dữ liệu; nhóm dịch vụ công trực tuyến; nhóm vấn đề cấp CCCD và đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống theo chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm.

Từ gợi mở, yêu cầu của đồng chí Thứ trưởng, đại diện các đơn vị gồm: Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Tổ chức Cán bộ…cùng với Công an các đơn vị, địa phương như: Công an tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Công an xã Xuân Tiến (Xuân Trường, Nam Định)….đã báo cáo kết quả cũng như kiến nghị những giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn, lĩnh vực, đơn vị được phụ trách.

Cũng tại hội nghị, 15 Công an đơn vị, địa phương đã gửi tham luận với 21 kiến nghị đề xuất trên nhiều nhóm, lĩnh vực khác nhau, làm rõ hơn những nội dung trên các nhóm yêu cầu liên quan đến việc thực hiện Đề án 06.

Hội nghị tập huấn Đề án 06 tại hội trường CAQ Long Biên, Hà Nội
Hội nghị tập huấn Đề án 06 tại hội trường CAQ Long Biên, Hà Nội

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Công an các đơn vị, địa phương từ cấp Cục đến cấp tỉnh, huyện, xã trong triển khai Đề án 06 trong 6 tháng qua.

Các nhiệm vụ của Đề án đã được triển khai quyết liệt theo đúng tiến độ, thể hiện rõ tinh thần gương mẫu, đi đầu của lực lượng CAND; được Chính phủ và các ngành ghi nhận, đánh giá cao, nhất là các nội dung liên quan trực tiếp đến người dân như thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã; cấp hộ chiếu qua mạng...

Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin, tại Hội nghị Chính phủ ngày 9-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và toàn xã hội rất kỳ vọng và đặt niềm tin vào lực lượng CAND; do đó việc quyết tâm thực hiện thành công đề án không những là nhiệm vụ chính trị mà còn là danh dự của lực lượng CAND trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Việc thực hiện Đề án 06 sẽ tiếp tục khẳng định rõ sự cống hiến của lực lượng Công an đối với đất nước, khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện cách mạng 4.0 đang phát triển như hiện nay.

Đây cũng là một trong những nội dung thiết thực để thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung làm tốt 8 nhiệm vụ lớn. Cụ thể, làm tốt công tác tham mưu với Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06.

Đẩy nhanh tiến độ các công việc để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023 theo đúng quy định của Luật Cư trú (sửa đổi). Công an các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu đúng bản chất của vấn đề này. Đối với những trường hợp thu sổ hộ khẩu do điều chỉnh thông tin phải tạo điều kiện tối đa cấp giấy chứng nhận tạm thời cho Nhân dân, tuyệt đối không được gây phiền hà, sách nhiễu làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng CAND.

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị duy trì thực hiện nghiêm nguyên tắc bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trước 30/9/2022. “Việc bổ sung, cập nhật dữ liệu dân cư, bảo đảm luôn “đúng, đủ, sạch, sống” là yêu cầu có ý nghĩa sống còn đối với Cơ sở dữ liệu dân cư. Các quy trình, quy chế cụ thể đã có, tuy nhiên nhiều nơi thực hiện chưa tốt, đây là nguy cơ rất lớn khi đưa vào ứng dụng. Giám đốc Công an các địa phương phải quyết liệt, kiên quyết hơn trong chỉ đạo thực hiện nội dung này; xác định đây là mệnh lệnh chiến đấu, kỷ luật công tác của lực lượng vũ trang”- Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Biểu dương các đơn vị đã làm tốt 189/227 dịch vụ công mức độ 3, 4, trong đó có 9/11 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị tiếp tục tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an, tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm 2022, phải hoàn thành mục tiêu đưa 227/227 dịch vụ công của ngành Công an lên môi trường điện tử.

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, thủ trưởng các đơn vị phải chỉ đạo quyết liệt và “làm thực chất”, không được hình thức, đối phó, đưa lên dịch vụ công cho xong. Những nội dung nào cắt giảm được, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phải kiên quyết thực hiện; phải đảm bảo đạt được các yêu cầu về pháp lý, an ninh, an toàn và niềm tin của người dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an.

Đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng, phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt từ Trung ương tới cơ sở. Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo các điều kiện thực hiện đề án như tài chính, nguồn lực Công an…, trong đó chỉ đạo Cục Truyền thông CAND tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền về các nội dung của Đề án 06 để dân hiểu, dân tin, dân đồng hành cùng thực hiện, nhất là những tiện ích trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an.

Những kết quả tích cực

Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai kế hoạch số 56 của Bộ Công an ngày 11/2/2022 trong triển khai Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong CAND và những giải pháp trọng tâm cần đẩy mạnh trong thời gian tới, Đại tá Tô Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH an nêu rõ:

Theo Đề án 06, Bộ Công an có nhiệm vụ cung cấp 11/25 dịch vụ công thiết yếu, đến nay đã hoàn thành tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an 9/11 dịch vụ công, đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng CAND, trong đó mở rộng phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện.

Bên cạnh đó, việc triển khai, tích hợp dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị, địa phương lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đang được các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai, thực hiện.

Bước đầu đã đạt một số kết quả nhất định như đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến, cấp hộ chiếu phổ thông online, đăng ký, cấp biển số xe mô tô tại cấp xã…. được người dân ủng hộ, đánh giá cao.

Tính đến nay, tổng số yêu cầu của công dân là 960.169 hồ sơ, trong đó đã được tiếp nhận 883.827 hồ sơ, đã trả kết quả 867.858 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đạt 98,2%.

Với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH tiếp tục triển khai ứng dụng các tính năng của chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số. Đã tích hợp thử nghiệm về mặt kỹ thuật, giải pháp đối với việc xác thực danh tính qua thẻ CCCD gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của 5 ngân hàng.

Trước mắt, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tổ chức triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại một số chi nhánh của 3 ngân hàng BIDV, Viettinbank, Vietcombank tại TP Hà Nội và Quảng Ninh. Sau 1,5 tháng thí điểm, đã có 4267 lượt công dân sử dụng thẻ CCCD để giao dịch với tổng số tiền trên 5,3 tỷ đồng. Đến ngày 30-6, các đơn vị đã thu nhận 4.755.306 hồ sơ, trong đó tổng số hồ sơ định danh điện tử được thu kèm hồ sơ CCCD đã được truyền lên Trung ương 2.742.461 hồ sơ.

Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Tính đến ngày 30-6, đã triển khai kết nối chính thức đối với 11 đơn vị bộ, ngành, 3 cục nghiệp vụ và 14 địa phương. Đã làm giàu, đồng bộ thông tin bảo hiểm xã hội, mũi tiêm phòng của Bộ Y tế, thông tin đăng ký xe, hộ chiếu, thông tin xuất nhập cảnh vào Việt Nam…. Đặc biệt, làm tốt nhiệm vụ kết nối chia sẻ với các đơn vị ngoài lộ trình của Đề án 06.

Theo đó, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương và các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội triển khai xây dựng phần mềm dùng chung cho các cơ quan, xác thực định danh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý hội viên; mở rộng thực hiện đối với Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng phần mềm quản lý Đảng viên. Thực hiện hiệu quả nhóm tiện ích phục vụ chỉ đạo điều hành.

Bộ Công an có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân tích dữ liệu tiêm chủng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế trên cơ sở danh sách do Bộ Công an cung cấp, để nghiên cứu, phối hợp, phục vụ phân bổ vaccine, xây dựng kế hoạch tiêm chủng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã duy trì bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, đạt 84,85%. Bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư thực hiện đề án…