Có thật là thịt bò Kobe?

ANTĐ - Tại thị trường Việt Nam, thịt bò Kobe (Nhật Bản) nổi tiếng không chỉ bởi chất lượng mà giá mỗi kilogam cũng lên tới 3-4 triệu đồng. Loại thực phẩm này đã được rao bán, chế biến các món ăn khá lâu nhưng thực tế Cục Thú y chưa hề tham gia kiểm dịch bất kỳ lô hàng thịt bò Kobe nhập khẩu nào.

Dư luận đã từng một thời xôn xao về bát phở bò Kobe trị giá 850.000 đồng, hay trong thực đơn tại một số nhà hàng đều có giới thiệu món bò Kobe Nhật Bản. Theo nhiều đồn thổi, bò Kobe vốn thuộc giống Tajima-ushi, được nuôi trên đảo HonShu (Nhật Bản) với chế độ “sung sướng” bậc nhất, xứng danh với nhận định về sự “cực đoan thú vị của người Nhật” trong ẩm thực. Loại bò này còn được biết với tên Wagyu, từ lâu đã trở thành một trong những món ăn danh tiếng bậc nhất thế giới, sánh cùng trứng cá Almas (Iran), nấm truffle trắng (Pháp, Ý)... Đặc biệt, loại mỡ trong thịt bò này không có cholesterol, nên chỉ có tác dụng làm thịt mềm mại chứ không ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn. Bởi vậy, giá thịt bò được cho là Kobe tại Việt Nam chỉ dành cho người rất nhiều tiền.

Cũng tại Việt Nam, không ai có thể khẳng định bò Kobe Nhật Bản du nhập vào từ bao giờ. Hiện loại thịt bò này được nhiều nhà hàng, quán lẩu cho vào thực đơn để thu hút thực khách. Thậm chí, trên Internet, thịt bò Kobe cũng được rao bán khá nhiều. Ví dụ, tại một

website chuyên về nhập khẩu thịt bò thì thịt bò Kobe Nhật Bản được rao bán với mức 3,5 triệu đồng/kg, nguồn gốc xuất xứ Nhật Bản. Nhiều người bỏ hàng triệu đồng ra mua thịt bò với niềm tin rằng mình đang tiêu dùng đúng loại thịt bò Kobe Nhật Bản nổi tiếng. Song, đến nay, ngay cơ quan chức năng lại không dám khẳng định, các loại thịt bò được gọi là Kobe Nhật Bản đang được bán trên thị trường có nguồn gốc từ đâu.

 Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Văn Năm, Quyền cục trưởng Cục Thú y khẳng định, đến nay cục chưa cấp phép cho đơn vị nào kiểm dịch thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam với lý do là thiếu văn bản pháp lý giữa hai bên. Các thỏa thuận về điều kiện vệ sinh thú y đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản và Việt Nam hiện nay vẫn chưa có. Vì vậy, chưa đủ điều kiện để tiến hành các thủ tục cấp phép nhập khẩu chính thống thịt bò từ nước này từ trước đến nay. Một lý do khách quan nữa, hiện các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chưa có đề nghị nào về nhu cầu nhập khẩu thịt bò từ Nhật Bản nên cơ quan chức năng  chưa có thực tế để tiến hành cấp phép, kiểm dịch cho loại thịt này.

Song, ông Hoàng Văn Năm cũng thừa nhận, có thực tế là thịt bò được gọi là Kobe đã có mặt ở Việt Nam tại nhiều điểm kinh doanh ăn uống. Sau khi làm việc với đại diện Cục Thú y Nhật Bản, cơ quan này đã cung cấp cho cục một số chứng thư của phía Việt Nam gửi cho họ trên danh nghĩa các cơ quan công quyền của Việt Nam. Vì có giấy tờ này nên nơi cung cấp thực phẩm tại Nhật Bản mới đồng ý xuất loại thực phẩm trên. Vì vậy, cục đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc của các chứng thư giả này xuất phát từ đâu và ai cấp. Vì không được nhập qua chính ngạch, nhiều cơ sở kinh doanh đang gian lận giả mạo thịt bò Kobe hoặc có hiện tượng tạm nhập tái xuất và lợi dụng tình thế này để thẩm lậu vào Việt Nam.

Tuy vậy, để trả lời câu hỏi, thời gian tới, loại thịt bò này sẽ được kiểm soát như thế nào, ông Hoàng Văn Năm cho rằng, không riêng gì Cục Thú y mà cần có sự vào cuộc của nhiều ngành như Hải quan, Quản lý thị trường… để kiểm chứng nguồn gốc của loại thực phẩm này, khẳng định có thật là thịt bò Kobe hay không, có đảm bảo chất lượng VSATTP hay không. Nếu người tiêu dùng có nhu cầu thực sự và thịt bò Kobe đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm, thời gian tới cục sẽ nhanh chóng ký thỏa thuận về điều kiện vệ sinh thú y với phía Nhật Bản để tiến hành cấp phép nhập chính ngạch loại thực phẩm này, ông Hoàng Văn Năm nói.