Có phải kiếp trước tôi bị nợ tình duyên?

ANTĐ - Cái nợ “tiền duyên” mặt mũi, hình dáng, màu sắc nó ra sao, chưa thấy ai miêu tả rõ mà đến tận hôm nay vẫn còn có người tin và âu lo cho duyên phận mình. Rằng ở kiếp trước có ai nợ nần về con đường tình ái, thì kiếp này mới lận đận long đong thế này. Tin hay không tin chả ai ép được ai. Vẫn thực thực hư hư từ đời này sang đời sau… không chỉ ở nông thôn nơi xa xôi hẻo lánh mà ngay cả chốn thành thị cái chuyện nợ tiền duyên cũng được lắm bạn trẻ nói đến.

Có phải kiếp trước tôi bị nợ tình duyên? ảnh 1

Chuyện tâm linh nói thì cứ nói chứ cũng chẳng có khoa học nào kiểm chứng, song thực tế thì cũng không ít những “nam thanh nữ tú” đã ngoài “băm” (30), thậm chí “tứ tuần” mà vẫn “phòng không”, bây giờ trên mạng xã hội còn có cả hội những người độc thân… vì nông nỗi “nợ tiền duyên”.

Có câu chuyện của một chàng thanh niên hăng hái làm công tác Đoàn Thanh niên từ tuổi 20. Là một cán bộ Đoàn năng nổ, rồi Bí thư Đoàn ngay từ khi học đại học, rồi trở thành một kỹ sư thủy lợi. Không đẹp trai nhưng rất đàn ông. Cậu có dáng người mạnh mẽ lịch thiệp, nói năng chín chắn “chắc như cua gạch”. Nhưng ít nhất đã 2 lần nếm hương vị tình yêu song đều yêu hụt. Lần đầu là do một “tình địch” hớt tay trên. Lần sau là do gia đình người yêu chê chỉ là một kỹ sư vô danh, ít tiền. Tuổi đã quá 25, anh chàng phải lòng một cô gái kém tuổi nhưng đã qua một đời chồng vì xung khắc tuổi. Lần này, tưởng rồi cũng yên, vậy mà chàng lại bị hẫng vì nàng chê anh “thật thà quá”, chuyện cả hai lần yêu hụt cũng kể cho người yêu biết!

Đúng lúc thất vọng và nghĩ mình thua kém bạn bè thì được người chị họ ở quê biết chuyện đã thân tình khuyên: “Cái số của cậu cao rồi. Có người mà bị người âm theo, nợ tiền duyên thì  phải tới lần thứ mấy mới xong. Chị cũng thế, cứng tuổi rồi, đi xem bói, “thầy” bảo: “Cô cao số, phải lấy người đã qua cầu, không lấy được trai tân đâu”. Hay là cậu cũng xem một quẻ xem sao. Ông này bói tài lắm. Nói đâu trúng đấy”. Anh chàng tặc lưỡi: “Ừ! Thì thử”. Thầy bói phán: “Cái nợ tiền duyên của cậu nặng lắm. Không chừng còn không có cả con trai nối dõi nữa ấy. Người đàn bà ấy là hóa thân của người kiếp trước đã bị cậu bỏ rơi. Cậu phải lấy người hơn tuổi cậu nhiều”.  Nghe thầy bói phán xong, nửa tin nửa ngờ. Năm sau, anh xin chuyển công tác về tỉnh nhà với lý do chính đáng: Cha mẹ đã quá già nhưng cũng có ý định “về tắm ao ta”.

Về lại quê, những bạn cũ cùng trang lứa kẻ đi người ở lại, ai nấy đều đã yên phận. Nữ thanh niên nhiều tuổi nhất trong làng cũng là kém anh 7 tuổi. Tự nhiên anh thấy mất tự tin, không dám thổ lộ nỗi lòng với cha mẹ. Bỗng một hôm mẹ anh hỏi: Con còn nhớ cái Hòa con cô Na ở xóm trên không? Bồi hồi một lúc anh mới nhớ ra đấy là em đội viên gái năm xưa khi anh là phụ trách thiếu nhi, là đội viên lớn hăng hái làm công tác đội nhất, lúc đó mới 13 tuổi. Anh 20 tuổi còn đang học cấp III. Mẹ nói thêm: “Con bé nó vẫn nhớ anh đấy. Hôm nay lại sang hỏi thăm anh”. Chưa đầy một tháng sau, hai người đã trở thành đôi tình nhân, rồi đính hôn. Hòa thỏ thẻ: Ngày ấy có mấy chị mê anh mà anh không để ý. Em biết nên mới “lây” các chị ấy mà cũng… yêu anh thôi. Anh thật là…

Câu chuyện cổ tích ấy hóa ra chẳng có tiền duyên nào cả, hóa ra thầy bói nói bừa. Và còn một câu chuyện nữa của người bạn vong niên. Bà ấy giờ đã có cháu nội. Hồi mới yêu ông ấy, nhà chồng chê bà tuổi Sửu, không hợp với ông ấy tuổi Tuất. Các cụ đã bảo Thìn- Tuất-Sửu-Mùi, chớ có sai. Song họ vẫn lấy nhau. Yên ổn được đâu vài tháng thì hai vợ đã có chuyện ngúng nguẩy, chị về than vãn với mẹ đẻ. Hai cụ khuyên con: Vợ chồng trẻ ấy mà, ai chẳng thế “Cơm sôi thì bớt lửa thôi”…

Cho tới ngày chị mang thai tới tháng thứ năm thì bỗng dưng anh chồng “giở chứng” có hiện tượng “gái gủng”. Nhà chồng có người đay: “Đã bảo mà… Trâu với Chó còn hơn cả Chó với Mèo!”. Chị lại “chạy” về mẹ đẻ, đúng vào hôm có bà cô ruột là bác sĩ khoa sản đến chơi. Nghe cháu gái than thở, bà cô lôi tuột cháu gái vào buồng trong hỏi nhỏ: “Cô hỏi thật nhé! Không việc gì phải xấu hổ. Hai đứa mày ăn nằm với nhau thế nào? Có vui vẻ không? Mày có thai, nó có có biết giữ gìn cho con nó không?...”. Cô cháu gái đỏ nhừ cả mặt, lí nhí trả lời bà cô bác sĩ.

Nghe xong, bà cô tủm tỉm cười: “Cái sự sinh hoạt tình dục ấy, cũng cần phải “thuận vợ, thuận chồng” mới vui vẻ được. Gọi đấy là “hòa hợp tình dục”. Nhiều khi vợ chồng xô xát chỉ vì anh chồng không thỏa mãn, vợ không nhạy cảm mà vừa khuyên vừa khéo chiều, cảm thông nhau vào cái lúc “đang khi lửa tắt cơm sôi, lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem” ấy! có gì khó chịu có gì cần nói với chồng về cái “chuyện ấy”… nếu như thế nào thì cứ nhỏ nhẹ mà nói để có được sự hòa hợp với nhau, đừng có cáu gắt, “cấm cửa” cái việc ấy, cháu ạ….”.

Bà cô khuyên thế, chẳng biết cô cháu đã thực hiện như thế nào mà rồi hai vợ chồng lại thuận hòa! Cái chuyện khó nói này mà chẳng ai nói với ai thì dễ từ chuyện này là cái cớ để sinh ra cả mớ chuyện “sát tuổi”, nợ tiền duyên!

Duyên số hay duyên phận thực sự là từ mình mà ra, tự mình mà có. Cái kiếp trước và cái số, nếu có thật thì nó phải hiện ra rành rành để có thể cho người ta nhìn thấy, cầm trong tay được chứ! Sao lại cứ mù mù mờ mờ làm vậy? Phận nổi, duyên thầm là thế đấy chăng?