Có một lối sống đáng lo
(ANTĐ) -Trên đường Thủ đô hôm nay, người Hà Nội đang cố gắng duy trì nếp sống thanh lịch, văn minh vốn có của mình. Có rất nhiều bạn trẻ đang đóng góp sức mình cho cộng đồng, cho xã hội thì cũng có không ít hành vi kém văn hóa xâm phạm an ninh trật tự xã hội và đang có nguy cơ trở thành thói quen khó sửa.
Đáng buồn là những hình ảnh như thế này khá nhiều trên đường phố Hà Nội (ảnh: Hương Bình) |
Trước hết là ngôn ngữ. Hàng ngày ta nghe nhan nhản những từ “chợ búa” nói lóng, nói kiểu chát, kiểu blog và nhất là nói tục. Họ văng ra không biết ngượng mồm, ở bất cứ nơi nào, chẳng cần biết người già, trẻ em ở bên đang nhìn họ chẳng khác nào một quái nhân làm ô nhiễm môi trường. Bắt chước những “yêng hùng” trên màn bạc, họ cũng ngang tàng thô bạo, hung hãn, sẵn sàng gây sự, sẵn sàng thách đấu chỉ vì một cái nhìn lạ, một va chạm nhỏ, một góp ý thẳng thắn. Họ không biết kiềm chế nên cũng chẳng có tôn trọng người và tự trọng mình.
Ngồi lên xe là lập tức đẩy tốc độ cao, họ phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng như làm xiếc. Gặp điểm ùn tắc là chen lấn vọt lên hè, lấn sang trái chắn kín phần đường khiến cho hai bên không có lối thoát, đã tắc lại càng thêm tắc. Họ coi như không biết các khẩu hiệu “Nhường đường là nét đẹp văn hóa của người Hà Nội”. Một số khác muốn tìm cảm giác mạnh còn hùa nhau tổ chức đua xe. Họ xuất phát từ trong lòng khu phố cổ để tránh sự ngăn chặn của lực lượng công an.
Cánh đàn em thì học tập các anh không có xe máy thì đua xe đạp địa hình. Trang trí xe kỳ quái, dây dợ lằng nhằng, đeo cả loa phóng thanh, diễu hành ầm ĩ rầm rộ làm cản trở giao thông, gây sự chú ý để người qua đường dừng lại xem gây ách tắc giao thông. Các bạn trẻ Hà Nội xưa đâu có thế, họ bước ra đường là ăn mặc lịch lãm, đi đứng nói năng từ tốn khoan thai, biết tự trọng và tôn trọng người khác.
Chiều chiều, dạo trên đường quanh hồ Tây, không khó để bắt gặp những đôi “nam thanh nữ tú” ôm ấp âu yếm nhau suồng sã quá mức trên ghế đá, trên thảm cỏ trên yên xe máy hay ở bất cứ đâu. Thậm chí nhiều anh chị còn ngồi ghếch chân lên nhau để nhổ tóc sâu, nặn trứng cá cho nhau như ở chốn không người. Những hình ảnh phản cảm không đẹp mắt đó đang làm xấu đi bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của Hà Nội hào hoa. Những chàng trai cô gái Hà Nội xưa đâu có thế. Thiếu nữ Hà Nội ý tứ, thẹn thùng, e ấp - “cọng giá cắn đôi”, còn các nam thanh thì phong thái lịch thiệp chứ đâu có suồng sã xô bồ như thế.
Qua các điểm ăn uống, cảnh tượng chè chén bê tha, ăn tiêu lãng phí chẳng đâu không có. Họ uống bia như uống nước lã. Nhan nhản các vỉa hè Hà Nội, họ rót đầy cốc vại, giơ cao đụng cốc, đồng thanh hô: Dô! dô! rồi ngửa cổ uống ừng ực như trâu, mặc cho bia tràn mép, tràn cổ. Có hơi men vào họ thi nhau hát nhại bằng những lời hát thô tục, ôm nhau cười khả ố, đập phá cốc, bát, vung vãi những món đặc sản đắt tiền cho đến lúc say gục xuống bàn hoặc nôn mửa bừa bãi.
Tiếp đó một số tìm đến sàn nhảy, quán cà phê đèn mờ, hát sến, tụng nhạc tình với những lời ca não lòng và thích thú xem các em múa phụ họa với những trang phục mở ngực, phơi rốn, hở lưng, khoe đùi... để rồi ôm nhau dùng “thuốc lắc” nhảy cuồng loạn cho tới sáng. Người Hà Nội xưa đâu có thế, ở chốn phồn hoa mà ăn uống thanh đạm, từ tốn. Cái thức ăn, cái cách ăn cũng thể hiện cái chất thanh lịch của người Hà Nội.
Phần lớn cánh ăn chơi bây giờ đều là con cái nhà giàu, như những ông hoàng, bà chúa được chiều chuộng hết mức. Lối sống thực dụng, sống vội, sống gấp đang lan tràn trong giới trẻ hiện nay. Trong khi đó các bậc cha mẹ sinh con ra, rồi thuê người giúp việc chăm sóc, khi con lớn, vứt một đống tiền cho con ăn chơi phung phí, mà cũng không biết rằng con mình đã tiêu những đồng tiền đó như thế nào.
Họ cứ nghĩ rằng trách nhiệm của họ là kiếm tiền cho con. Và cứ lao vào kiếm tiền như những con thiêu thân, mà không biết rằng những đứa con hư hỏng của họ đã bịt biển số xe máy đi cướp giật, thuê ôtô tự lái đi cầm cố, lừa lái “xe ôm” để cướp, và cũng không từ lừa cả người thân. Khi bị phát hiện bắt giữ thì chống đối, mang sẵn hung khí đâm chém bạt mạng bất kể sống chết. Người Hà Nội xưa đâu có thế. Nhìn mà lo.
Đáng lẽ những hành vi trên phải bị lên án quyết liệt và có biện pháp trừng trị thích đáng, nhưng đáng buồn thay là thái độ vô cảm dửng dưng của người đời, thấy sự bất bằng không dám can thiệp, thấy cái xấu lại bỏ qua vì sợ lụy đến thân. Thế chẳng hóa ra rằng đồng tình với cái xấu, để cái xấu lấn tới. Đã là muộn nếu như không thu hẹp, loại bỏ lối sống không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, đi ngược lại văn hóa của người Tràng An. Phải bằng mọi cách để bảo tồn được cái gốc bản sắc văn hóa tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội đó mới chính là việc cần làm, đáng phải làm ngay trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhà nghiên cứu văn hóa
Giang Quân