Có mất mới có được

ANTĐ - Không sao nhãng mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng năm 2012 còn được Chính phủ xác định là năm khởi động quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Từ năm 2013 sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản và đến năm 2015 có hiệu quả rõ rệt theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Đây là nội dung của diễn đàn “Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu kinh tế” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức.

Tín hiệu khởi động khá ấn tượng của quá trình tái cơ cấu được ghi nhận bằng hàng loạt các buổi lễ tuyên bố cắt giảm, tiết kiệm chi phí lên tới hàng trăm tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Theo Bộ Tài chính, cơ quan chịu trách nhiệm chấp bút soạn thảo 1/3 nội dung Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đây là động thái hứa hẹn sự khởi đầu đầy quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp trước khi “xuất phát” lộ trình tái cơ cấu cả nền kinh tế. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792, được coi là cú đột phá trong tái cơ cấu đầu tư công. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận xét rằng, Chỉ thị này chưa thực sự tạo ra “cú hích” vì một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự cương quyết thực hiện việc rà soát, cắt, giảm, giãn,  hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư các công trình, dự án đã có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ theo Chỉ thị 1792. Ủy ban cho rằng, Chính phủ cũng tỏ ra khó xử khi thực hiện cắt giảm. Theo báo cáo của Chính phủ, không có nguyên tắc bố trí vốn cho các dự án hoàn thành năm 2013, nhưng trong phụ lục kèm theo lại có danh mục các dự án này, hoặc dự án có tên trong danh mục nhưng lại không được bố trí vốn.

Phát biểu trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2012, nhiều ý kiến đều có chung một nhận định, tình hình kinh tế năm nay có tính chất đặc biệt khó khăn. Nhìn chung tăng trưởng GDP sẽ yếu hơn so với các năm trước, song nền kinh tế vẫn phải dành một nguồn lực không nhỏ để tiến hành các chương trình tái cơ cấu. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, chi phí tái cơ cấu chắc chắn là rất lớn và nó sẽ giảm tương ứng với nguồn lực dành cho tăng trưởng. Dù vậy, tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế bằng những hành động quyết liệt, toàn diện mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng là một điểm nhấn đặc biệt của nền kinh tế năm 2012.

Ông Viện trưởng khuyến nghị, điều đáng quan tâm là không được tái cơ cấu kiểu nửa vời với những bước nặng tính hình thức và dễ làm. Chẳng hạn như chỉ cắt giảm một phần đầu tư công hoặc chỉ cổ phần hóa một số doanh nghiệp làm “ví dụ”. Vừa tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, vừa đồng thời tiến hành tái cấu trúc kinh tế, đương nhiên phải chấp nhận mức tăng trưởng hợp lý, có thể thấp hơn mục tiêu 6-6,5%. Hơn thế, ngay cả khi các chương trình tái cơ cấu được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và thành công, thì hiệu quả mang lại cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô chưa thể nhìn thấy ngay được. Ngược lại, những chi phí, tổn thất để giải quyết những yếu kém, “khuyết tật” của mô hình tăng trưởng cũ cũng như cơ cấu cũ, chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những vấp váp, gián đoạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến cho tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế có thể giảm mạnh.

Không thể kỳ vọng đầu tư ít nguồn lực hơn mà vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong khi vẫn giải quyết được những “khuyết tật” mang tính cấu trúc của nền kinh tế. Cũng không thể cùng một lúc vừa muốn tái cơ cấu kinh tế, vừa muốn tăng trưởng kinh tế cao. Phải chấp nhận có mất mới có được.