Có làm được nhiều việc đồng thời mà cùng hiệu quả?

ANTD.VN - Đôi lúc chúng ta thấy có những người vừa đọc sách vừa nghe nhạc, vừa xem ti vi vừa đan áo và chúng ta xuýt xoa về khả năng “chia đôi bộ não” của họ. Song những người “đa nhiệm” này có thực sự hiệu quả trong cả hai việc mà họ làm đồng thời?

Bạn nghĩ mình đang làm một số việc cùng lúc, thực tế là bạn chỉ đang làm luân phiên giữa các việc đơn lẻ

Với sự phổ biến của thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, con người dành khá nhiều thời gian sống trên không gian ảo họ. Điều này dẫn đến sự xuất hiện khái niệm “đa nhiệm”. Trong lúc bạn đang làm việc với máy tính, bất cứ người quen nào cũng có thể “ghé qua” chuyện trò bất cứ lúc nào.

Trong các hội nghị tại nơi làm việc, ngoài một vài người tập trung lắng nghe, còn những người sử dụng máy tính hay điện thoại di động ngày càng nhiều. Thậm chí có những sinh viên tin rằng họ vẫn có thể lắng nghe bài giảng trong khi nhìn xuống gầm bàn và chat với bạn bè qua một chiếc smartphone.

Não bộ không thể xử lý cùng lúc hai nhiệm vụ 

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Thomas Lehman, một nhà tâm lí học người Mỹ, con người không bao giờ thực sự làm nhiều việc cùng lúc. Một người có thể vừa đọc sách trong khi nghe nhạc, nhưng trên thực tế, bộ não chỉ có thể tập trung vào một trong hai thứ đó. Đọc chữ trong sách sẽ khiến bạn bỏ qua một vài nốt trong bản nhạc.

Khi con người nghĩ họ đang hoàn thành cùng lúc có hiệu quả hai nhiệm vụ khác nhau, điều mà họ thực sự đang làm chỉ là phân chia sự tập trung của mình vào từng việc một. Ví dụ, chúng ta đều đã từng trải qua việc nói chuyện với một vài người bạn và họ không đáp lại chúng ta ngay lập tức. Có thể họ đang nghe người khác nói hoặc đang đọc tin nhắn trên điện thoại và không nghe thấy những gì bạn đang nói. 

Earl Miller, một chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu về vỏ não trước, nơi điều khiển não bộ khi một người thực hiện đa nhiệm, cho biết kích thước của vỏ não ở các loài khác nhau thì khác nhau. Kích thước vỏ não trước ở người chiếm 30% não bộ, trong khi nó chỉ chiếm 4-5% ở loài chó và khoảng 15% ở loài khỉ.

Phần vỏ não lớn hơn cho phép con người linh hoạt và chính xác hơn trong sự đa nhiệm của mình. Tuy nhiên trong một thí nghiệm gần đây, Miller đã dùng một thiết bị cảm ứng để xem liệu các nơron não có thắp sáng tại những vùng khác nhau trong một thời điểm, để rồi kết luận rằng chúng không bao giờ hoạt động đồng thời, tức là não bộ không thể xử lý cùng lúc hai nhiệm vụ.

Davis Meyer, một giáo sư của Đại học Michigan, Mỹ cũng đã thực hiện nghiên cứu tương tự ở những người trẻ. Ông hướng dẫn họ đồng thời giải quyết những vấn đề toán học và phân loại những từ ngữ trong các nhóm khác nhau. Ở thí nghiệm này, Meyer chỉ ra rằng bạn nghĩ mình đang làm một số việc cùng lúc, thực tế là bạn chỉ đang làm luân phiên giữa các việc. 

Giảm năng suất khi đa nhiệm 

Từ kết luận trên, các nhà khoa học cũng nghiên cứu xem làm thế nào để con người không bị phân tâm trong khi làm việc. Bởi thực tế là với điện thoại cầm tay và máy tính bên cạnh, con người sẽ không bao giờ hết bị phân tâm vào các trò tiêu khiển, và năng suất công việc bị giảm sút là đương nhiên.  

Mặc dù tập trung vào từng việc đơn lẻ là cách hiệu quả nhất để  bộ não của chúng ta làm việc, thì đây vẫn không phải một giải pháp thực tế. Thông thường, mọi người cảm thấy thoải mái và làm việc năng suất hơn trong môi trường đa nhiệm. Tuy nhiên, đôi khi các cuộc họp nhóm sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta chặn điện thoại di động.

Một người cũng có thể áp dụng các mẹo này để tránh sự tự phân tâm. Thay bằng việc đến văn phòng và kiểm tra tất cả email, thực hiện những thao tác thông thường nơi làm việc, mỗi người có thể dành một giờ hoàn thành nhiệm vụ đơn lẻ đầu tiên buổi sáng. Tự chủ thời gian là một cách tuyệt vời để giảm bớt sự phân tâm và hoàn thành từng nhiệm vụ hiệu quả.